Hỏi: Hiện nay, các địa phương đang tiến hành việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong trường hợp cử tri phản ánh vụ việc, vấn đề liên quan đến người ứng cử thì việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu sẽ được thực hiện như thế nào?
(Lê Thị Hải Anh, TP.Vũng Tàu)
Trả lời:
Trong quá trình lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (đối với tất cả những người được giới thiệu ứng cử) và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có) (đối với những người tự ứng cử, người được thôn, tổ dân phố giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND cấp xã), nếu phát sinh các vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu ra cần phải được kiểm tra, xác minh thì việc xác minh và trả lời về các vụ việc do cử tri nêu được thực hiện như sau:
Đối với vụ việc ở nơi công tác thì cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử ĐBQH); Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu HĐND).
Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cấp trên trực tiếp quản lý thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
Đối với vụ việc ở khu dân cư thì cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử ĐBQH); Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu HĐND).
Đối với người tự ứng cử ĐBQH thì UBBC ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Đối với người tự ứng cử đại biểu HĐND thì UBBC có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương.
Chậm nhất là ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử và trước khi tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ ba), việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải được tiến hành xong.
Hỏi: Đề nghị cho biết, sau khi đã hết thời hạn hiệp thương lần thứ hai thì có thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND để đưa ra hội nghị hiệp thương lần thứ ba được không?
(Phạm Phương Nam, TP.Bà Rịa)
Trả lời:
Ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử) là thời hạn cuối cùng để công dân hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND (bao gồm cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử).
Luật Bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND quy định, chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử phải tổ chức hiệp thương lần thứ hai. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai căn cứ vào tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, cơ cấu thành phần và số lượng ĐBQH, đại biểu HĐND được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực HĐND cùng cấp điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND và gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; đối với người tự ứng cử thì còn được gửi lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi người đó làm việc (nếu có).
Do đó, khi thời hạn hiệp thương lần thứ hai đã hết thì không thể bổ sung hoặc thay đổi danh sách sơ bộ đã lập qua hiệp thương lần thứ hai để đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba. Như vậy, việc bổ sung người ứng cử vào danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH hoặc danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu HĐND sau ngày 14/3/2021 là không thể thực hiện được.
ỦY BAN BẦU CỬ TỈNH