Số lượng hòm phiếu ở khu vực bầu cử được quy định thế nào?

Thứ Tư, 14/04/2021, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Đề nghị cho biết, hòm phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được bố trí chung hay riêng?

(Trương Văn Nhu, huyện Xuyên Mộc)

Trả lời: Qua thực tiễn kiểm phiếu bầu cử nhiệm kỳ 2016-2021 cho thấy, công tác kiểm đếm và phân loại phiếu bầu (nếu cùng một hòm phiếu) gây mất nhiều thời gian, ảnh hưởng nhiều đến công tác kiểm phiếu. Vì vậy, để công tác phân loại và kiểm đếm phiếu bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 được thuận lợi, UBBC tỉnh dự kiến bố trí từ 2 đến 4 hòm phiếu tùy vào khu vực bỏ phiếu có số lượng cử tri trên hay dưới 1.000; ngoài ra, còn bố trí hòm phiếu phụ.

Cụ thể:

Đối với khu vực bỏ phiếu có từ 1.000 cử tri trở lên, thì sử dụng 4 hòm phiếu (kích cỡ 40x40x40), gồm: Hòm phiếu bầu ĐBQH; Hòm phiếu bầu đại biểu HĐND tỉnh; Hòm phiếu bầu đại biểu HĐND cấp huyện; Hòm phiếu bầu đại biểu HĐND cấp xã.

Ngoài ra, mỗi khu vực bỏ phiếu có thêm 1 hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động, kích thước 20x20x30) để sử dụng trong trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 69 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Hòm phiếu được chuẩn bị ở khu vực này theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ, bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía mặt trước của hòm phiếu màu đỏ, có dán hình Quốc huy, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”. Phía mặt trên của hòm phiếu có màu sắc tương ứng với màu phiếu bầu đại biểu của từng cấp và dòng chữ: “Bầu đại biểu Quốc hội”; “Bầu đại biểu HĐND tỉnh”; “Bầu đại biểu HĐND cấp huyện”; “Bầu đại biểu HĐND cấp xã”. Các mặt còn lại của hòm phiếu có màu đỏ.

Tổ bầu cử phải bố trí 1 thành viên Tổ bầu cử thường trực bên các hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Đối với các khu vực bỏ phiếu có dưới 1.000 cử tri, thì sử dụng 2 hòm phiếu (kích cỡ 40x40x40), gồm: Hòm phiếu bầu ĐBQH; Hòm phiếu bầu đại biểu HĐND các cấp.

Ngoài ra, mỗi khu vực bỏ phiếu có thêm 1 hòm phiếu phụ (hòm phiếu lưu động, kích thước 20x20x30) để sử dụng trong trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 69 Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

Hòm phiếu được chuẩn bị theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11/1/2021 của Bộ Nội vụ, bảo đảm chắc chắn, trang trí sạch đẹp, phía dưới có dòng chữ “HÒM PHIẾU”.

Phía mặt trên của hòm phiếu bầu cử ĐBQH có màu sắc tương ứng với màu phiếu bầu ĐBQH và dòng chữ “Bầu đại biểu Quốc hội”; phía mặt trên của hòm phiếi vầu cử đại biểu HĐND các cấp có mày sắc tương ứng với màu phiếu bầu đại biểu HĐND tỉnh và dòng chữ “Bầu đại biểu HĐND các cấp”. Các mặt còn lại của hòm phiếu có màu đỏ.

Tổ bầu cử phải bố trí 1 thành viên Tổ bầu cử thường trực bên các hòm phiếu làm nhiệm vụ hướng dẫn cử tri bỏ phiếu bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Hỏi: Đề nghị cho biết, trong trường hợp nào thì dùng hòm phiếu phụ?

(Đỗ Đình Nam, huyện Côn Đảo)

Trả lời: Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ; người đang bị cách ly xã hội tập trung tại các cơ sở điều trị hoặc các địa điểm cách ly tập trung khác và người đang bị cách ly tại nhà (nếu có); những khu vực bị chia cắt do thiên tai, lũ lụt thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến các địa điểm nêu trên để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Sau khi những cử tri này bỏ phiếu xong, thành viên Tổ bầu cử phải mang ngay hòm phiếu phụ về phòng bỏ phiếu.

(Còn nữa)

(ỦY BAN BẦU CỬ TỈNH)

;
.