.

Một người có thể đồng thời ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở nhiều cấp khác nhau được không?

Cập nhật: 20:20, 05/04/2021 (GMT+7)

Hỏi: Một người có thể đồng thời ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở nhiều cấp khác nhau được không?

(Phan Thị Tố Hương, TP.Vũng Tàu)

Trả lời: Theo hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, mỗi công dân chỉ được nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tối đa ở 2 cấp trong cùng một nhiệm kỳ; nếu đã nộp hồ sơ ứng cử ĐBQH thì chỉ được nộp thêm hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND ở 1 cấp nữa.

Trường hợp người ứng cử vi phạm quy định nói trên (ví dụ như nộp đơn ứng cử đại biểu HĐND cả ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) thì sẽ bị coi là có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử và bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở tất cả các cấp mà người đó đã nộp hồ sơ ứng cử; nếu sau khi có kết quả bầu cử mới bị phát hiện thì không được công nhận tư cách đại biểu ở tất cả các cấp mà người đó đã trúng cử.

Hỏi: Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND có thể là thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử được không?

(Nguyễn Trần Tú Anh, huyện Xuyên Mộc)

Trả lời: Người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử hay khu vực bỏ phiếu nơi mình có tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử; nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị mình ứng cử thì người ứng cử phải rút ra khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó kể từ ngày được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.

Hỏi: Nhằm bảo đảm đầy đủ thông tin, công bằng trong bầu cử, việc lập Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được thực hiện như thế nào?

(Lương Thị Kiều, TX.Phú Mỹ)

Trả lời: Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định, Danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, quê quán, nơi ở hiện nay, trình độ, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử và một số thông tin bổ sung khác (như ngày vào Đảng, là ĐBQH hay đại biểu HĐND các khóa nào chưa…). Danh sách những người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái A, B, C...

Tổ chức phụ trách bầu cử cần ghi đúng họ và tên đã khai trong hồ sơ của người ứng cử. Trường hợp họ và tên khai sinh của người ứng cử khác với họ và tên thường dùng hoặc người ứng cử có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo thì tại phần ghi họ và tên người ứng cử trong danh sách người ứng cử, họ và tên khai sinh được viết trước, họ và tên thường dùng hoặc chức vị, pháp danh theo tôn giáo viết sau và được đặt trong dấu ngoặc đơn; không cần ghi bí danh hoặc các tên gọi khác chỉ sử dụng trong phạm vi hẹp hoặc đã lâu không còn sử dụng.

Ví dụ: Người ứng cử có tên thường dùng là Nguyễn Văn, tên khai sinh là Nguyễn Văn A thì tên ghi trong danh sách người ứng cử là: Ông NGUYỄN VĂN A (NGUYỄN VĂN); hoặc người ứng cử là chức sắc tôn giáo có tên khai sinh là Nguyễn Văn A, chức vị và pháp danh trong tôn giáo là Hòa thượng Thích Thanh A hoặc Linh mục Nguyễn Văn A thì ghi tên người ứng cử là Ông NGUYỄN VĂN A (HÒA THƯỢNG THÍCH THANH A) hoặc Ông NGUYỄN VĂN A (LINH MỤC NGUYỄN VĂN A). Trong các trường hợp này, việc ghi họ, tên người ứng cử trên danh sách người ứng cử hoặc trên phiếu bầu cử có thể viết liên tục trong một dòng hoặc thể hiện thành hai dòng liền nhau nhưng phải có cùng kiểu chữ, cỡ chữ như họ và tên của những người ứng cử khác trong cùng danh sách.

Trường hợp họ và tên của những người ứng cử có phần tên giống nhau thì căn cứ vào phần họ để xác định thứ tự; trường hợp phần họ cũng giống nhau thì căn cứ vào phần tên đệm. Trường hợp trùng hoàn toàn cả họ, tên và tên đệm thì xếp theo ngày tháng năm sinh; người nào có ngày tháng năm sinh sớm hơn thì được xếp trước. Tuy nhiên, các UBBC cần lưu ý không bố trí, sắp xếp 2 người ứng cử có họ và tên trùng nhau trong Danh sách những người ứng cử ở cùng một đơn vị bầu cử để tránh gây nhầm lẫn cho cử tri.

Người ứng cử ĐBQH chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử ở một đơn vị bầu cử ĐBQH. Người ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị hành chính nào thì cũng chỉ được ghi tên vào Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND ở một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng trên địa bàn đơn vị hành chính đó.

(Còn nữa)

ỦY BAN BẦU CỬ TỈNH

.
.
.