.

Triển khai "hộ chiếu vắc xin" phải bảo đảm an toàn

Cập nhật: 19:00, 19/03/2021 (GMT+7)

Ngày 19/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp về “hộ chiếu vắc xin COVID-19”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng BCĐ Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ trì cuộc họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Phát biểu tại cuộc họp, ông Lưu Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp Y tế, Tổng công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, Viettel đang phối hợp Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, thực hiện việc rà soát và triển khai giải pháp “hộ chiếu vắc xin COVID-19”.

Theo đó, “hộ chiếu vắc xin COVID-19” cho phép người dân theo dõi lịch sử tiêm chủng của bản thân hoặc các thành viên trong gia đình qua các lần tiêm; sau khi tiêm được cấp chứng nhận tiêm và mã QR-Code xác nhận. Nhân viên y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng cho người dân thuộc diện tiêm chủng lên hệ thống phần mềm. Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, số liệu để phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 và cung cấp công cụ giám sát thông tin người đã tiêm vắc xin COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, “hộ chiếu vắc xin” thực chất là giấy chứng nhận đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, được điều chỉnh theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Điều lệ kiểm dịch y tế quốc tế, cho phép người có “hộ chiếu vắc xin” không phải cách ly, xét nghiệm COVID-19 (một số nước vẫn yêu cầu xét nghiệm COVID-19). Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vắc xin” thông qua mã QR-code.

Cách thức này dựa vào 2 dữ liệu cơ bản: số thẻ BHYT hoặc CMND/CCCD. Khi đến, người dân cần cung cấp thông tin cá nhân để được kiểm tra trên hệ thống xác nhận. Sau khi tiêm đủ 2 mũi, hệ thống thông tin sẽ được cập nhật lên mã QR-code, xác thực cho người dân. Khi đi ra nước ngoài, người dân được quét mã QR-code, truy cập vào đúng nguồn dữ liệu, xác thực thông tin các mũi tiêm. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề xuất lồng ghép thông tin hồ sơ sức khỏe, thẻ BHYT của người dân vào thẻ CCCD (do ngành Công an quản lý), bảo đảm tính xác thực cao hơn. Hiện nay Bộ Y tế và Viettel đang thí điểm tại các điểm tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhằm đánh giá năng lực, tính tương thích của các cơ sở.

Liên quan đến tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trong nước, tính đến 16 giờ ngày 18/3, Việt Nam đã tiêm vắc xin AstraZeneca cho 27.546 người. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Các điểm tiêm chủng đều tuân thủ quy định của Bộ Y tế về bảo đảm an toàn tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm ở mức cho phép theo khuyến cáo của nhà sản xuất vắc xin. Một số trường hợp phản vệ độ 2 được phát hiện, xử lý kịp thời theo đúng quy định của Bộ Y tế; hiện sức khỏe đều đã bình phục”.

Tại cuộc họp, Thường trực BCĐ cũng thảo luận về công tác chuẩn bị các giải pháp chính sách, kỹ thuật để thực hiện chủ trương “hộ chiếu vắc xin” trên tinh thần “bảo đảm an toàn trên hết”. Việc quản lý hệ thống hồ sơ sức khỏe của người dân tích hợp thông tin tiêm chủng, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân thống nhất, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêm chủng mà còn kiểm soát việc đi lại, di chuyển trong bối cảnh có dịch bệnh.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, nhà mạng thông tin, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn thiện và sẵn sàng từ tháng 4/2021. Về chính sách cụ thể, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan y tế nước ngoài để sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện cho giao thương, đi lại thuận lợi cho người dân các nước đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19.

DIỆP TRƯƠNG

.
.
.