Sáng 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, kết quả đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% (số đã báo cáo là 4,39%) và có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: QUANG HIẾU |
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn, tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD (số đã báo cáo tương ứng là 261,9 tỷ USD và 2.715 USD).
Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020, Bộ Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 158 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, giảm 31,2 nghìn tỷ đồng (-2%) so dự toán (bằng 16,5% mức dự kiến giảm thu đã báo cáo Quốc hội); tỷ lệ động viên thu ngân sách đạt 23,9% GDP, riêng thu thuế và phí đạt khoảng 19% GDP.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2020 đạt xấp xỉ 96,6% dự toán Quốc hội quyết định đầu năm, đạt hơn 97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Còn khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn trong nước thực hiện chuyển nguồn sang năm 2021.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết, các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn con số đã báo cáo trước Quốc hội, đặc biệt nợ công, thu chi ngân sách, dự trữ và các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt chúng ta đã thắng lợi về thực hiện mục tiêu kép.
Nhắc lại đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về năm 2020, năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm vừa qua với những kết quả, thành tích đặc biệt, Thủ tướng cho rằng, thành quả quan trọng này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã điều hành chủ động, quyết liệt, sáng tạo, kịp thời và đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, tín dụng tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, đạt hai con số, xuất siêu 1,3 tỷ USD. Hình ảnh và uy tín Việt Nam trên thế giới tiếp tục được nâng lên.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, đón bắt thời cơ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cũng như năm 2021. Trước hết là tập trung quán triệt, nghiên cứu, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Thứ hai là tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 trên tinh thần “vắc xin + 5K”, nếu có ổ dịch xuất hiện thì truy vết thần tốc, khoanh nhanh ổ dịch. Thủ tướng yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vắc xin cho người dân theo đúng ý kiến của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép để kinh tế xã hội phát triển nhưng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bày tỏ chia sẻ với những ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang gặp bế tắc, một số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, Thủ tướng nêu rõ, phải khắc phục được tình trạng một số doanh nghiệp khó khăn, đặc biệt các ngành dịch vụ du lịch, vận tải, bán lẻ.
Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết của Chính phủ đã báo cáo. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hội nhập nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút có sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng. Thời cơ đối với Việt Nam rất lớn, xu hướng dòng vốn vào Việt Nam rất rõ ràng. Cho nên, phải có môi trường đầu tư tốt để thu hút.
Bên cạnh phát huy vai trò các tập đoàn kinh tế Nhà nước, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân và đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng phát triển lâu dài.
Giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ rất quan trọng, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ sớm bố trí một cuộc đôn đốc kiểm tra giải ngân đầu tư công cũng như vốn ODA.
Rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế và tạo nguồn thu lâu dài là chủ trương về chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt phát huy thế mạnh các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh trọng điểm khác ở miền Đông Nam Bộ. Phấn đấu không được để nợ các văn bản hướng dẫn luật tại Chính phủ trước khi bàn giao.
Việc phát động trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương 5 triệu ha rừng ở các địa phương cần tiếp tục được thúc đẩy. “Các đồng chí ở các bộ, ngành phải làm tốt việc này, nhất là các bộ có liên quan, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải có cơ chế để phát động ở các địa phương”, Thủ tướng nói.
Về công tác chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV (dự kiến từ ngày 24/3-7/4), kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV, tập trung chủ yếu xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 và công tác nhân sự, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng nghe, thảo luận về kết quả thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo đó, tổng số vốn ngân sách trung ương trong nước đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 576,851 tỷ đồng.
ĐỨC TUÂN