Tiếp tục ngày làm việc thứ hai tại Kỳ họp thứ 11, trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các nội dung: Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra các báo cáo nêu trên; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV; Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo kết quả hoạt động từ khi thành lập đến tháng 3/2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: HUỲNH KHÁNG |
TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các ĐBQH, đã có 1.907 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.870 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 98,1%. Những vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời. Đây là khẳng định của Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV sáng 25/3.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu ý kiến đóng góp vào vào Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội. Ảnh: LÊ MẪN |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng chỉ rõ một số hạn chế trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình. Một số kiến nghị cử tri qua nhiều kỳ họp mặc dù đã được các bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xem xét, giải quyết các kiến nghị có nội dung liên ngành, liên lĩnh vực vẫn còn chậm. Đáng chú ý, vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật.
Tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đã phát biểu một số ý kiến xung quanh vấn đề lấy ý kiến đóng góp cho các dự thảo luật. Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp. Khi ban hành, các văn bản quy phạm pháp luật đã đi vào cuộc sống, tạo thuận lợi trong việc điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình ban hành một số dự án luật còn chậm, ảnh hưởng đến việc lấy ý kiến đóng góp; nhất là những dự án luật cần lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị Quốc hội ban hành các dự án luật phải bảo đảm thời gian.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến đánh giá công tác giám sát của Quốc hội và các Đoàn ĐBQH thời gian qua sát thực tiễn, qua đó thấy được những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó có đề xuất kiến nghị bổ sung văn bản pháp luật, giúp cho Chính phủ, địa phương thấy được những khó khăn, bất cập. “Tuy nhiên, công tác giám sát chưa có nội dung về kiến nghị chế tài. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội xem xét đưa nội dung kiến nghị chế tài vào công tác giám sát để việc thực thi chính sách pháp luật bảo đảm tốt hơn trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị.
Bên cạnh đó, Quốc hội và các cấp, các ngành, ĐBQH đã trực tiếp tiếp nhận, giải quyết tốt đơn thư, khiếu nại của công dân đã hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp. Song vẫn còn nhiều đơn thư chưa thỏa mãn ý kiến người dân. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Quốc hội, ĐBQH cần quan tâm tổ chức công tác đối thoại, tiếp công dân để việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đạt yêu cầu cao hơn trong thời gian tới.
|
BẢO ĐẢM TỔ CHỨC THÀNH CÔNG BẦU CỬ
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo kết quả triển khai công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ khi thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia đến tháng 3/2021.
Từ khi thành lập đến nay, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã khẩn trương triển khai công tác tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong phạm vi cả nước theo đúng quy định pháp luật, tiến độ, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công.
Đến nay, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương đã hoàn thành việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và đến các cơ quan, tổ chức ở địa phương về thời gian, địa điểm tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND của từng địa phương. Theo thống kê sơ bộ, cả nước đã nhận được 1.136 hồ sơ người ứng cử ĐBQH khóa XV; 7.495 hồ sơ của người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Tính đến ngày 19/3/2021, Ủy ban Trung ương MTTQVN và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã hoàn thành việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và người ứng cử đại biểu HĐND ở các cấp. Tổng số người ứng cử ĐBQH là 1.084 người (trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử), đạt tỷ lệ bình quân 2,17 lần so với tổng số ĐBQH được bầu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
PHAN PHƯƠNG - MINH THIÊN