(Tiếp theo kỳ trước)
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh được quy định như thế nào?
Điều 19 và Điều 40 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND tỉnh và HĐND thành phố trực thuộc trung ương trong việc tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật; quyết định các vấn đề của địa phương trên các lĩnh vực: xây dựng chính quyền, kinh tế, tài nguyên, môi trường, y tế, lao động và thực hiện chính sách xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo và quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản của HĐND cấp huyện; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, HĐND thành phố trực thuộc trung ương còn quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm cả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, phường trực thuộc; quyết định quy hoạch về xây dựng và phát triển đô thị trong phạm vi được phân quyền; quyết định các biện pháp phát huy vai trò trung tâm kinh tế - xã hội của đô thị lớn trong mối liên hệ với các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước theo quy định của pháp luật; quyết định các biện pháp quản lý dân cư ở thành phố và tổ chức đời sống dân cư đô thị; điều chỉnh dân cư theo quy hoạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 26 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND huyện có nhiệm vụ tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật ở địa phương; quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, xây dựng chính quyền, kinh tế, tài nguyên, môi trường, giáo dục, văn hóa - xã hội. HĐND huyện thực hiện giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND huyện; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp và văn bản của HĐND cấp xã; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Điều 54 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương còn có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt; quyết định dự án đầu tư công trình đô thị trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Quyết định các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, giao thông theo quy định của pháp luật.
- Quyết định biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống dân cư, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan đô thị trên địa bàn.
Theo quy định tại Điều 47 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND quận cơ bản cũng thực hiện phần lớn các nhiệm vụ, quyền hạn như HĐND huyện. Tuy nhiên, để phù hợp với tính chất của quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương (quận không phải là đơn vị hành chính đô thị hoàn toàn độc lập mà là một bộ phận cấu thành, có tính kết nối, liên thông cao của đô thị trực thuộc trung ương) nên Luật Tổ chức chính quyền địa phương chủ yếu giao cho HĐND quận quyết định các vấn đề liên quan đến công tác nhân sự, tổ chức bộ máy, quyết định các vấn đề về ngân sách và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trên địa bàn và giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương. Nếu so sánh với HĐND ở huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì HĐND quận không có thẩm quyền quyết định các biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; quyết định quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn; quyết định các biện pháp quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước,…
Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì HĐND xã có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã.
- Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn xã.
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND xã; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND xã.
- Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã, trước khi trình UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách xã; điều chỉnh dự toán ngân sách xã trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách xã. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của xã trong phạm vi được phân quyền.
- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của HĐND xã; giám sát hoạt động của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp, Ban của HĐND cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của UBND cùng cấp.
- Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND xã bầu.
- Bãi nhiệm đại biểu HĐND xã và chấp nhận việc đại biểu HĐND xã xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của UBND, Chủ tịch UBND xã.
Đối với HĐND phường, thị trấn, theo quy định tại Điều 61 và Điều 68 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường, thị trấn cơ bản giống như nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã, trừ nhiệm vụ quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn phường, thị trấn do nội dung này thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND cấp trên để bảo đảm tính đồng bộ, tập trung trong quản lý đô thị.
(Còn nữa)