.
BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HĐND CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập như thế nào?

Cập nhật: 17:38, 23/03/2021 (GMT+7)

 (Tiếp theo kỳ trước)

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử đó.

Chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp phải ra quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội một Ban bầu cử đại biểu Quốc hội.

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội có từ 9 đến 15 thành viên, gồm: Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện Thường trực HĐND, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Danh sách Ban bầu cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp.

Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thành lập như thế nào?

Ban bầu cử đại biểu HĐND từng cấp (tỉnh, huyện, xã) được thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND của cấp tương ứng để trực tiếp phụ trách công tác bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 tại đơn vị bầu cử đó.

Chậm nhất là ngày 14/3/2021 (70 ngày trước ngày bầu cử), Ủy ban Nhân dân ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp mình 1 Ban bầu cử đại biểu HĐND.

Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh có từ 11 đến 13 thành viên. Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện có từ 9 đến 11 thành viên. Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có từ 7 đến 9 thành viên. Ban bầu cử gồm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban và các Ủy viên là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

Danh sách Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp nào thì phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp tương ứng và Thường trực HĐND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp với Ủy ban bầu cử đó nhằm bảo đảm thực hiện công tác chỉ đạo, tổ chức bầu cử và kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Người tham gia làm thành viên Ban bầu cử này có được đồng thời tham gia kiêm nhiệm thành viên Ban bầu cử khác nữa không?

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đã quy định rõ thành phần tham gia các Ban bầu cử phải có đại diện của Thường trực HĐND, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tương ứng với từng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan khác. 

Luật không quy định thành viên của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội không thể đồng thời là thành viên của Ban bầu cử khác mà chỉ có quy định về những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử, trong đó bao gồm các Ban bầu cử (nếu là người thuộc danh sách ứng cử tại đơn vị bầu cử thuộc phạm vi phụ trách của Ban bầu cử đó). Do đó, tùy tình hình nhân sự và thực tiễn của địa phương, các cơ quan nói trên có thể xem xét, phân công người thích hợp tham gia vào các Ban bầu cử, bảo đảm đầy đủ thành phần theo quy định của Luật. 

Ban bầu cử có các nhiệm vụ, quyền hạn nào?

Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có chung những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử của các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

2. Kiểm tra, đôn đốc việc lập, niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách những người ứng cử ở các Tổ bầu cử thuộc đơn vị bầu cử.

3. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc bố trí các phòng bỏ phiếu và công việc bầu cử ở các phòng bỏ phiếu.

4. Nhận và phân phối tài liệu, phiếu bầu cử cho các Tổ bầu cử chậm nhất là 15 ngày trước ngày bầu cử.

5. Nhận, tổng hợp và kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu bầu cử của các Tổ bầu cử; lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử.

6. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với việc thực hiện công tác bầu cử của các Tổ bầu cử và khiếu nại, tố cáo về bầu cử do các Tổ bầu cử chuyển đến; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử ở cấp tỉnh khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội; nhận và chuyển đến Ủy ban bầu cử tương ứng khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu HĐND.

7. Báo cáo tình hình tổ chức và tiến hành bầu cử theo hướng dẫn, yêu cầu của Hội đồng bầu cử quốc gia hoặc theo yêu cầu của Ủy ban bầu cử cùng cấp.

8. Chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh; chuyển hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu HĐND đến Ủy ban bầu cử cùng cấp.

9. Tổ chức thực hiện việc bầu cử thêm, bầu cử lại (nếu có).

(Còn nữa)

.
.
.