Ngày 17/2, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp giao ban với các sở, ban, ngành, địa phương về tình hình Tết Nguyên đán Tân Sửu. Trong kỳ nghỉ Tết, chính quyền các cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm cho nhân dân vui Xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình Tết Tân Sửu 2021. |
TẾT AN TOÀN
Theo đánh giá của UBND tỉnh, Tết Nguyên đán Tân Sửu diễn ra an toàn, tiết kiệm. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng về cháy nổ, mất an ninh trật tự, ngộ độc thực phẩm… Các sự kiện văn hóa, văn nghệ chào năm mới tạm ngưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng không khí đón Xuân của nhân dân vẫn vui tươi, đầm ấm.
Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, từ ngày 10 đến 17/2 (từ 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 6 tháng Giêng năm Tân Sửu), tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, hàng hóa phong phú, đa dạng. Giá cả ít biến động, giá mặt hàng thiết yếu tăng khoảng 15%-20% so với ngày thường. Tuy nhiên, sức mua giảm từ 10%-20% so với Tết Canh Tý. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ phục vụ dịp Tết đạt khoảng 755 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành vào thời điểm cận Tết nên tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến dịch. Ngành y tế phối hợp với các lực lượng và địa phương nhanh chóng rà soát, truy vết, đưa đi cách ly tập trung, tổ chức xét nghiệm, giám sát các trường hợp trở về từ các vùng có dịch theo các thông báo khẩn của Bộ Y tế. Tính đến ngày 17/2, tỉnh đã cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh và chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Bên cạnh đó, việc chăm lo Tết cho nhân dân, gia đình chính sách, người nghèo… cũng được chính quyền các cấp quan tâm và thực hiện đầy đủ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông được bảo đảm.
TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Phát biểu tại cuộc họp, Đại tá Bùi Văn Thảo, Giám đốc Công an tỉnh thông tin, trong dịp Tết, tình trạng đốt pháo nổ trái phép xảy ra ở hầu hết các địa phương, tăng nhiều so với năm 2020. Chỉ trong đêm Giao thừa, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý 16 vụ, với 20 đối tượng đốt pháo nổ.
“Nguyên nhân khiến tình trạng này tăng là do người dân chưa hiểu đúng Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Một số cá nhân cho rằng từ ngày 11/1/2021 Nghị định này có hiệu lực, người dân sẽ được đốt các loại pháo. Trong khi đó, theo quy định, người dân chỉ được đốt các loại pháo không phát ra tiếng nổ. Vì vậy, thời gian tới, các lực lượng và địa phương cần tăng cường tuyên truyền về Nghị định 137/2020/NĐ-CP để người dân hiểu rõ và thực hiện đúng”, Đại tá Bùi Văn Thảo nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đã đề xuất các phương án phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế cho biết, dự kiến cuối tháng 2/2021, Việt Nam sẽ nhận vắc xin phòng COVID-19 từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX. Tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ cung cấp vắc xin từ nguồn này để chích ngừa cho người dân. Đến nay, Sở Y tế đã sàng lọc và lựa chọn các trường hợp tiêm vắc xin. Dự kiến sẽ có 3 đợt tiêm trong 3 quý của năm 2021, trong đó, quý I/2021 tiêm cho lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch ở tuyến đầu như: y tế, công an, bộ đội, phóng viên… Đồng thời, ngành phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm soát người đến từ vùng có dịch; tiếp tục khảo sát và chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly tập trung.
Để giúp HS cập nhật kiến thức trong thời gian nghỉ học đến hết tháng 2/2021, Sở GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học trực tuyến. Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, 100% trường học từ bậc TH đến THPT và GDTX đã triển khai dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, không phải tất cả HS đều học được theo hình thức này. Nguyên nhân là do HS còn thiếu thiết bị học tập; một số HS lớp 1 chưa đọc thông viết thạo, còn HS lớp 2 chưa thể tự học trực tuyến một mình mà cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Do vậy, việc dạy và học trực tuyến có thể thực hiện cho HS từ lớp 3 trở lên. “Sở GD-ĐT kiến nghị UBND tỉnh cho phép những HS lớp 1 chưa đọc thông viết thạo được đến trường để GV kèm cặp”, bà Châu đề xuất.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ đánh giá cao nỗ lực của các sở, ban, ngành và địa phương trong việc bảo đảm cho người dân đón Tết an toàn. Về các nhiệm vụ sau Tết, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu BCĐ138 về phòng, chống tội phạm các địa phương phối hợp với các lực lượng công an đẩy mạnh điều tra, trấn áp tội phạm, nhất là trong đợt bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sắp tới. Các lực lượng cần tăng cường công tác kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết xử lý các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng. Các lực lượng và địa phương cần tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ để người dân nhận thức đầy đủ về quy định này. Bộ CHQS tỉnh, các địa phương cần quản lý chặt số tân binh chuẩn bị lên đường nhập ngũ vào tháng 3/2021, bảo đảm đủ chỉ tiêu, quân số. Sở GD-ĐT xây dựng phương án cụ thể về việc đưa những HS lớp 1 chưa đọc thông viết thạo đến trường học tập trung, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
ÔNG NGUYỄN VĂN THỌ, CHỦ TỊCH UBND TỈNH
Có giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Các địa phương cần xây dựng kịch bản thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trước mọi tình huống. Trong đó, tiếp tục khắc phục khó khăn, tồn tại của năm 2020, triển khai các giải pháp mới để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Riêng ngành du lịch, thời điểm sau Tết thường có đông khách du lịch đến tỉnh, nên ngành cần siết chặt quản lý du khách và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là các cơ sở lưu trú, nơi công cộng.
|
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG-ĐÔNG HIẾU