Từ 1/1/2021, Nghị quyết số 15/NQ/2020-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành. Nghị quyết đã điều chỉnh mức hỗ trợ tăng thêm cho người hoạt động không chuyên trách, lực lượng công an, quân sự ở cấp xã và mức khoán kinh phí hoạt động ở thôn, ấp, khu phố.
Chị Trần Thị Thu Tuyết, Công chức UBMTTQ kiêm Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức) đang hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả. |
“LÀM DÂU TRĂM HỌ”
Ông Trần Văn Khiêm, Bí thư kiêm Trưởng ấp Phước Tân 1 (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) cùng các thành viên của Chi bộ ấp Phước Tân tranh thủ đi thăm các đảng viên trong Chi bộ bị bệnh. Thấy đoàn đến thăm, ông Lê Đình Viên (tổ 1, đường số 11, ấp Phước Tân 1, xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) rất phấn khởi. Ông Viên cho biết: “Tôi bị bệnh viêm dây thần kinh đã nhiều năm nay. Nhưng lần này lại sưng to, đi lại khó khăn nên quyết định đi phẫu thuật ở Bệnh viện Hòa Hảo (TP.Hồ Chí Minh). Được các đảng viên trong Chi bộ ấp đến thăm, động viên tinh thần, tôi rất cảm động”.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Văn Khiêm bộc bạch: “Trước thời điểm 1/1, theo Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND năm 2011 của HĐND tỉnh, ấp Phước Tân 1 được cấp 10 triệu đồng/năm. Như vậy, tính ra mỗi tháng, tổng kinh phí hoạt động của ấp là 830 ngàn đồng cho mọi hoạt động. Với số tiền này, có giỏi gói gém lắm cũng mới đủ để chi tiền điện, nước, vệ sinh trụ sở và hỗ trợ một phần cho hoạt động người cao tuổi, chữ thập đỏ. Chính vì vậy, Chi bộ và Ban Điều hành ấp Phước Tân 1 phải kêu gọi các thành viên đóng thêm quỹ để hoạt động. Tháng này, chúng tôi đi thăm 3 trường hợp, mỗi trường hợp cũng chỉ 100 ngàn đồng thôi, cái chính là để động viên tinh thần người bệnh”.
Được biết, ông Khiêm vừa là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Phước Tân 1 đã 8 năm nay. Các công tác, hoạt động ấp, giải quyết phản ánh người dân đều ông đứng ra thực hiện. Kiêm nhiệm nhiều việc nhưng mỗi tháng ông Khiêm được hỗ trợ 1,7 triệu đồng. Để có thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống, ông Khiêm cùng gia đình canh tác rau theo mùa vụ.
Làm việc tại Công an xã An Ngãi (huyện Long Điền) đã 20 năm, nhưng hệ số lương của anh Huỳnh Phúc Thông, Phó Trưởng Công an xã An Ngãi được nhận là 2,7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, phần lớn chi phí sinh hoạt trong gia đình anh Đạt đều phụ thuộc vào việc buôn bán ở chợ của vợ. “Nếu không có tình yêu nghề, sự động viên của gia đình thì chúng tôi không thể bám trụ với công việc đến ngày hôm nay”, anh Thông tâm sự.
Trong khi đó, công việc của Công an xã thì như “làm dâu trăm họ”, bảo đảm ANTT tại địa phương, nhưng tiền lương và phụ cấp cũng rất ít ỏi. Họ, bên cạnh việc ứng trực tại trụ sở, tuần tra kiểm soát theo lịch trình thì bất kể nắng hay mưa, ngày hay đêm, khi có những sự việc liên quan đến ANTT là lên đường làm nhiệm vụ. Do tính chất công việc, để làm thêm công việc khác cố định về thời gian nhằm tăng thêm thu nhập là rất khó.
Lực lượng Công an xã An Ngãi (huyện Long Điền) chuẩn bị đi làm nhiệm vụ tuần tra. |
TĂNG MỨC HỖ TRỢ
Theo ông Trà Thanh Tín, Trưởng Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên (Sở Nội vụ), mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, ấp, khu phố thực hiện theo Nghị quyết số 34 năm 2011 của HĐND tỉnh là hơn 2,7 triệu đồng (trong đó gồm mức phụ cấp theo quy định trung ương gần 1,5 triệu đồng, hỗ trợ thêm của tỉnh là 1,2 triệu đồng); công an viên thường trực ở xã được hưởng hơn 2,7 triệu đồng; công an viên phụ trách thôn, ấp và thôn, ấp khu đội trưởng là gần 1,5 triệu đồng. Với mức hỗ trợ này không còn phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình ngân sách địa phương.
Ông Trương Thanh Phong, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, nhằm giữ chân và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ở cơ sở, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở Tài chính xây dựng chính sách, giải pháp thực hiện và dự kiến được nguồn lực điều kiện ngân sách địa phương. Ngày 13/12/2020, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 15/NQ/2020-HĐND có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách, lực lượng công an, quân sự ở cấp xã và mức khoán kinh phí hoạt động ở thôn, ấp, khu phố nhằm khuyến khích lực lượng này.
Theo đó, mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã 1,8 triệu đồng/người/tháng (tăng 400 ngàn đồng); Công an viên thường trực ở xã (không phải công an chính quy) 3,4 triệu đồng/người/tháng (tăng 700 ngàn đồng); Công an viên phụ trách thôn, ấp 1,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 460 ngàn đồng); Thôn, ấp, khu đội trưởng 1,95 triệu đồng/người/tháng (tăng 460 ngàn đồng).
Hiện nay, tổng số những người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh khác ở cấp xã là 1.090 người. Tổng số những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố 1.476. Lực lượng công an viên thường trực ở xã là 140 người, công an viên phụ trách thôn, ấp là 408 người; lực lượng quân sự ở thôn, ấp, khu phố là 536 người. Trên địa bàn tỉnh hiện có 494 thôn, ấp, khu phố (không bao gồm 9 khu dân cư Côn Đảo) trong đó có 233 thôn, ấp, khu phố có quy mô dưới 500 hộ, 216 thôn, ấp, khu phố có quy mô từ 500 đến 1.000 hộ; 42 thôn ấp, khu phố từ 1.000 hộ trở lên. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 80,4 tỷ đồng/năm. |
Riêng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố đang hưởng phụ cấp của Trung ương là mức gần 1,5 triệu đồng/tháng/người và không hưởng thêm chế độ nào khác. Do đó nhằm tăng mức thu nhập của những người người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, khu phố, điều chỉnh hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng để nâng cao thu nhập của các đối tượng này từ gần 1,5 triệu lên gần 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ khoán kinh phí hoạt động cho mỗi thôn, ấp, khu phố được điều chỉnh tăng lên theo quy mô hộ gia đình. Theo đó, thôn, ấp, khu phố có quy mô dưới 500 hộ là 20 triệu đồng/thôn, ấp, khu phố/năm (tăng 10 triệu đồng); thôn, ấp, khu phố từ 500 đến 1.000 hộ là 25 triệu đồng/thôn, ấp, khu phố/năm (tăng 15 triệu đồng); thôn, ấp, khu phố có quy mô trên 1.000 hộ là 30 triệu đồng/thôn, ấp, khu phố/năm (tăng 20 triệu đồng); hỗ trợ nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hơn 2,5 triệu đồng cho mỗi năm công tác (tăng hơn 1 triệu đồng).
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG