Chung sức bảo vệ đường ống dẫn khí
Thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tích cực phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền đến người dân về tầm quan trọng của hệ thống công trình khí, đường ống dẫn khí dưới biển. Qua đó, người dân đã nâng cao ý thức, sẵn sàng hợp tác trong việc bảo đảm an ninh - an toàn (AN-AT) cho đường ống này.
BĐBP tỉnh phát bản đồ in tọa độ hệ thống đường ống dẫn khí và các công trình dầu khí trên biển cho ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc. |
Theo Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas), mỗi năm PV Gas phải chi hàng chục triệu USD để sửa chữa đường ống dẫn khí bị tác động bởi các neo tàu, lưới tàu. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của ngư dân khi hoạt động ở khu vực lắp đặt đường ống dẫn khí và khoan thăm dò dầu khí.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân đối với việc bảo đảm AN-AT cho đường ống dẫn khí nói riêng và công trình dầu khí nói chung, năm 2020, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với các DN dầu khí tổ chức 12 buổi truyền thông tuyên truyền về bảo đảm AN-AT các công trình dầu khí cho 200 DN và 1.040 chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá tại 26 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh đã đến tận nơi neo đậu tàu thuyền để tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khai thác phế liệu, nổ mìn trong khu vực hành lang an toàn các công trình dầu khí; giới thiệu về vị trí, tọa độ, tầm quan trọng của đường ống dẫn khí dưới biển; những quy định pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ AN-AT các công trình dầu khí. Lực lượng BĐBP còn vận động thuyền trưởng cài đặt tọa độ của hệ thống tuyến ống khí dưới biển vào máy định vị; cách nhận biết sự cố rò rỉ khí dưới biển, đồng thời phối hợp với PV Gas cài đặt tọa độ lên máy định vị của 824 tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Theo Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các DN dầu khí trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn, mục tiêu bảo vệ; ngăn chặn, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra tại các công trình dầu khí trên bờ và dưới biển. Khi làm thủ tục xuất bến, các đồn, trạm biên phòng trực tiếp tuyên truyền về AN-AT công trình dầu khí cho chủ tàu, thuyền trưởng, đồng thời yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng ký nhận và cam kết không xâm phạm hành lang an toàn các công trình dầu khí dưới biển. |
Ông Nguyễn Văn Tình (chủ tàu cá BV56488TS, phường 5, TP. Vũng Tàu chia sẻ: “Nhờ được BĐBP tỉnh thường xuyên tuyên truyền trực tiếp, chúng tôi mới biết rõ hơn tọa độ tuyến ống dẫn khí, khu vực các mỏ dầu khí trên biển để chủ động giữ khoảng cách an toàn, không gây ảnh hưởng tới các công trình này trong khi đánh bắt trên biển”.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, năm 2020 Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn tổ chức 4 lượt tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo kết hợp bảo vệ AN-AT đường ống dẫn khí dưới biển. Theo đó, các đơn vị đã tuần tra từ Km22 đến khu vực mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Rạng Đông, Sư Tử Vàng và ngược lại; phát hiện 26 vụ với 47 phương tiện, lập biên bản 18 vụ/31 phương tiện khai thác hải sản trong và cận kề hành lang an toàn đường ống khí.
Đại tá Đào Quang Hiển, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết, sự phối hợp giữa 3 đơn vị đã góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, bảo đảm an ninh, an toàn các đường ống dẫn khí dưới biển.
Bà Rịa-Vũng Tàu được xem là trung tâm dầu khí của cả nước với nhiều công trình khai thác dầu khí, truyền dẫn khí trên bờ và dưới biển, trong đó tuyến ống dẫn khí từ mỏ Bạch Hổ trải dài hơn 200km trong vùng nội thủy vào đến Trạm van Long Hải; tuyến ống khí Nam Côn Sơn trải dài hơn 360km trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam đến Trạm van Long Hải. Đối với công trình dầu khí trên bờ, đoạn đường ống dẫn khí từ Trạm van Long Hải đến xã An Ngãi (huyện Long Điền) dài 6,7km; đoạn đường ống dẫn khí chạy qua sông Mỏ Nhát được thi công qua các đầm lầy, sông rạch dài 17km trên địa bàn TX. Phú Mỹ. Do vậy, việc bảo đảm AN-AT các công trình dầu khí là nhiệm vụ quan trọng không chỉ riêng của các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác dầu khí, truyền dẫn khí mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và cần sự chung tay, góp sức của chính quyền và nhân dân địa phương.
Bài, ảnh: MINH NHÂN