Xây dựng cơ chế để không thể, không dám và không cần tham nhũng

Chủ Nhật, 13/12/2020, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu này tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, sáng 12/12, tại Hà Nội và trực tuyến đến hơn 80 điểm cầu trong cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị.  Anh: ĐỨC SƠN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị. Anh: ĐỨC SƠN

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định, nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, nhất là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, từ thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, nhiều bài học quý, có ý nghĩa về mặt lý luận, thực tiễn đã được rút ra. Đó là trong công tác phòng, chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, “không ngừng”, “không nghỉ” ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”, một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám tham nhũng”, một cơ chế để “không cần tham nhũng”.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi vi phạm; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là đột phá, quan trọng, cần làm quyết liệt, tích cực. Công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài, do đó, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, do dự mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; ngăn chặn có hiệu quả tệ “tham nhũng vặt’’; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, phải có hình thức xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh, công khai.

PHƯƠNG HOA

 
;
.