"Nóng" nghị trường các vấn đề đầu tư công

Thứ Bảy, 12/12/2020, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

Trong Phiên thảo luận Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh, vấn đề giải ngân nguồn vốn đầu tư công đã làm “nóng” nghị trường. Các ý kiến đã tập trung tìm giải pháp nhằm tháo gỡ cả về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan để hạn chế tối đa tình trạng này.

TỶ LỆ GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG ĐẠT THẤP

Nhiều đại biểu đặt vấn đề tại sao tới thời điểm tháng 6/2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh chỉ đạt 22,56% tổng kế hoạch vốn năm 2020, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 (29,5%) và tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (33,9%).

Điều hành phiên thảo luận, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xác định rõ các nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, đưa ra các giải pháp tháo gỡ một cách hiệu quả để có thể hoàn thành việc giải ngân 100% vốn đầu tư công.

Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban VH-XH, HĐNĐ tỉnh chủ trì Phiên thảo luận tại
Ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban VH-XH, HĐNĐ tỉnh chủ trì Phiên thảo luận tại hội trường. 

“UBND tỉnh cam kết sẽ bảo đảm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020. Tuy nhiên, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, tỷ số giải ngân đến 30/11 chỉ là 58%, không đáp ứng được mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt về các giải pháp quan trọng để phục hồi kinh tế trong tình hình dịch COVID - 19. Đề nghị UBND tỉnh xác định rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành dẫn đến vì sao không thực hiện được lời cam kết của UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 17”, ông Thuận chất vấn.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT lý giải, nguyên nhân một phần do giãn cách xã hội, một số dự án phải dừng thi công kể cả công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) nên tiến độ giải ngân bình quân 6 tháng thấp so với mức bình quân chung của cả nước, chỉ đạt chưa tới 17%. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh tính đến nay, tiến độ giải ngân đã đạt 57%, tăng thêm 34% so với 6 tháng đầu năm. Kết quả này vẫn chưa đạt được như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, công tác bồi thường GPMB gặp nhiều khó khăn. Vướng nhiều nhất trong công tác này chủ yếu là do công tác khảo sát giá đất, xảy ra chủ yếu tại TP. Vũng Tàu.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT giải trình các nội dung liên quan đến việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.
Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT giải trình các nội dung liên quan đến việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Giải trình thêm về những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt phòng của TP.Vũng Tàu, ông Hoàng Vũ Thảnh, Quyền Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu đưa ra 10 nhóm giải pháp tập trung vào khâu khắc phục, tháo gỡ những khó khăn trong công tác GPMT, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

Ông Thuận cho rằng, giải pháp của thành phố là chưa thuyết phục. TP.Vũng Tàu cần tập trung nói rõ các biện pháp khắc phục tình trạng vướng trong công tác GPMT, đặc biệt là nguyên nhân gây ách tắc.

Trả lời vấn đề này, ông Thảnh đã nêu ra 3 giải pháp cụ thể gồm:  Tổ chức  hội thảo để mổ xẻ, nghiên cứu việc bồi thường tại một số tỉnh để xem xét đưa giá bồi thường tiếp cận với thị trường; rà soát nhu cầu xây dựng nhà ở xã hội cho nhu cầu tái định cư khoảng 6.000 căn; Triển khai trong 5 năm tới quỹ đất tái định cư, đất giao nền cho đất ở mới và các quỹ nhà bảo đảm an sinh 6.900 căn. Hiện UBND tỉnh đã giao cho thành phố rà soát các khu đất và sẽ có báo cáo chi tiết trong quý I/2021.

XEM XÉT NĂNG LỰC, TRÁCH NHIỆM CHỦ ĐẦU TƯ

Liên quan đến vấn đề phân cấp vốn đầu tư công cho cấp xã, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, trước đây những dự án, công trình của Xuyên Mộc như: đề án nông thôn mới, Chương trình 137… hoặc những chương trình mục tiêu có hỗ trợ của tỉnh phân giao cho huyện, sau đó huyện ủy quyền phân giao cho các xã làm chủ đầu tư. Vấn đề này đã tồn tại rất lâu tại huyện. Năm 2020, qua đợt làm việc với Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan, huyện thấy rằng, việc phân giao này còn bộc lộ bất cập, việc phân giao dự án với số vốn lớn trong khi nhân lực cấp xã không có, trình độ chuyên môn, quản lý còn hạn hẹp đã dẫn những sai sót. Trong cuộc họp Ban Chấp hành huyện vừa qua, huyện cũng đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và năm 2021, vấn đề này sẽ được chấn chỉnh và chấm dứt.

Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc khẳng định, địa phương đã rút kinh nghiệm về việc giao đầu tư công cho cấp xã.
Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc khẳng định, địa phương đã rút kinh nghiệm về việc giao đầu tư công cho cấp xã.

Đặt vấn đề về trách nhiệm trong công tác quản lý quy hoạch, ông Thuận nói: “Theo luật đất đai nếu dự án sau 3 năm chưa triển khai từ khi dự án có quyết định thu hồi đất cần phải rà soát lại quyết định thu hồi đất. Thực tế có những dự án có quyết định thu hồi đất kéo dài nhưng các cơ quan của tỉnh không thực hiện rà soát để người dân xây dựng trái phép nên việc khắc phục khó chăn.Ví dụ Tổ hợp lọc dầu Long Sơn, dự án 58ha, tái định cư Chí Linh. Các dự án thu hồi đất lâu nhưng không thực hiện. Người dân trong vùng dự án không thực hiện chuyển được mục đích sử dụng, không di chúc được cho con cái, không thế chấp được cho ngân hàng khi cần buộc phải xây dựng trái phép… Vai trò quản lý của nhà nước, trách nhiệm của chủ đầu tư đến đâu đối với các dự án này cũng như các dự án trọng điểm khác”.

Ở nội dung chất vấn nói trên, ông Nguyễn Công Vinh thừa nhận, công tác quản lý các khu đất quy hoạch trong thời gian qua chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân xây dựng nhà ở ổn định trong khu quy hoạch. Khi GPMB gặp khó khăn, do không giải quyết tái định cư được cho những trường hợp trên, dẫn tới bà con khiếu kiện kéo dài. Chưa kể, việc ra quyết định bồi thường, bố trí tái định cư quá chậm so với bảng giá đất đã được UBND tỉnh ban hành có khi đến vài, ba năm nên không còn phù hợp, buộc phải khảo sát lại về giá đất, khiến một số dự án phải điều chỉnh. Đây là thực trạng lặp đi lặp lại.

Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp trong thời gian tới, trong đó, ngay trong tháng 12/2020, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ thị chỉ đạo điều hành vốn đầu tư công năm 2021 một cách linh hoạt trong xử lý các nguồn vốn, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra xử lý việc ách tắc ở các khâu trong lập thủ tục, triển khai dự án từ lúc chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành công trình. Trong đó có việc rà soát, xem xét về năng lực, trách nhiệm của chủ đầu tư.

Xung quanh vấn đề tháo gỡ vướng mắc ở khâu khảo sát giá đất, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT thừa nhận, dù đã tổ chức hội thảo nhằm tìm biện pháp tháo gỡ, nhưng vẫn chưa khả thi. Mặt khác, trong vấn đề GPMB có một phần lỗi của các địa phương khi triển khai công tác kiểm kê đền bù quá lâu, đến khi ra quyết định thì giá đất đã không còn phù hợp. Để giải quyết vấn đề này cần phải tiếp tục tổ chức hội thảo chuyên đề nhằm gỡ những điểm vướng, quy trách nhiệm của từng đơn vị, sở, ngành…

KHÔNG ĐỂ VỐN CHỜ CÔNG TRÌNH

Góp ý kiến để giải quyết vấn đề giá đất đền bù, đại biểu Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nơi nào có dự án chậm triển khai thì chính quyền phải tích cực khảo sát giá đất khu vực đó. Giá khảo sát phải bảo đảm quyền lợi của người dân vừa bảo đảm triển khai được công trình. Đây là bài toán mà tỉnh cần tính toán đến để hỗ trợ cho công tác GPMB. Một vấn đề nữa là phải chọn những vị trí tái định cư tốt để bố trí tái định cư. “Mạnh dạn chọn đất vàng, đất tốt làm tái định cư cho dân thì dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng, dù tiền đến bù có thấp một chút vì người ta hưởng được các quyền lợi của mình. Làm như vậy để người dân hiểu được rằng họ được hưởng lợi từ dự án giải tỏa”, ông Trình nói.

Ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra những giải pháp khá thiết thực về sử dụng vốn đầu tư công
Ông Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra những giải pháp khá thiết thực về sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả, trong đó có việc bố trí tái định cư ở những vị trí tốt hơn cho người dân có đất bị thu hồi để triển khai dự án. 

Đồng tình với chủ trương này, ông Mai Ngọc Thuận đã lấy ví dụ về việc GPMB cho công trình đường Nguyễn Tri Phương, TP.Vũng Tàu, địa phương đã bố trí tái định cư ở khu vực được coi là đắc địa, thay vì đấu giá đất công. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, một phương án khác là chi trả tiền với mức hợp lý thay vì bố trí tái định cư cho người dân.

Ông Mai Ngọc Thuận cho rằng, những nguyên nhân khiến cho giải ngân vốn đầu tư công thấp đã tồn tại từ lâu, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì những kỳ họp tiếp theo cũng sẽ lặp lại. Tuy nhiên, trong số những nguyên nhân đó, nguyên nhân chính vẫn là khâu phân bổ vốn đầu tư công chưa đúng với năng lực chủ đầu tư và tiến độ công trình.

Ông Thuận nêu một nghịch lý: Trước đây luôn luôn là công trình chờ vốn, nhưng gần đây vốn chờ công trình, một điều đi ngược lại với xu thế chung. Giải ngân chậm, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả là thiếu sót vô cùng lớn với hệ thống chính trị, quản lý, sử dụng, điều hành quan trọng, chiếm 50% khối lượng công việc. Vì vậy, trong Kỳ họp này đề nghị tỉnh, sở, ngành địa phương có kế hoạch cụ thể sau khi kế hoạch đầu tư công 2021 được HĐND tỉnh thông qua; tiến độ giải ngân từng công trình, rà soát trách nhiệm của chủ đầu tư rà soát lại công trình, dự án có phù hợp với khả năng thực hiện nguồn vốn không, để điều chuyển cho các dự án khác có khả năng sử dụng vốn. “Trong đó, ưu tiên đối với các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, không chọn các dự án dễ làm khó bỏ. Có như thế mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an sinh xã hội”, ông Thuận nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ

 

 

 

;
.