Ngày 11/12, Kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2016-2021 đã chính thức khai mạc. Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đến dự và có bài phát biểu quan trọng (Báo BR-VT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu trên trang 4/5, số báo hôm nay).
Dù khó khăn bủa vây nhưng trong năm 2020, BR-VT đã xúc tiến triển khai nhiều công trình trọng điểm, nhất là ở lĩnh vực giao thông kết nối cảng biển, tạo đà phát triển cho giai đoạn 2021-2026. Trong ảnh: Siêu tàu container Margrethe Maersk sức chở 20.000 TEUs cập cảng CMIT. |
Trong ngày làm việc thứ nhất, các đại biểu HÐND tỉnh tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân để thảo luận, quyết định chỉ tiêu và những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ VII trong những năm tiếp theo.
TĂNG TRƯỞNG GRDP 3,57%
Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhìn nhận, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng; đời sống sinh hoạt của nhân dân ít nhiều bị xáo trộn. Trong điều kiện đó, tình hình kinh tế-xã hội vẫn có một số điểm sáng như: Hầu hết các lĩnh vực kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng so với năm 2019. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) trừ dầu khí đạt 3,57%; GRDP bình quân đầu người trừ dầu khí ước khoảng 6.940 USD/người/năm. Các dự án, công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo thực hiện theo lộ trình. Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh. Trong năm, đã thu hút mới 27 dự án nước ngoài và 66 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư là 316 triệu USD và 10.354 tỷ đồng.
BR-VT sẽ tiếp tục các giải pháp khống chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Trong ảnh: Nhân viên Mây Spa, TP.Vũng Tàu đo thân nhiệt cho khách hàng trước khi sử dụng dịch vụ làm đẹp. |
Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin, truyền thông được triển khai đầy đủ, bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân; chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, nhất là các chính sách hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tỉnh giảm còn 0,8%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia còn 0,1%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, số vụ tai nạn giao thông giảm.
NHẬN RÕ NHỮNG MẶT TỒN TẠI
Bên cạnh những mặt đã đạt được, ông Nguyễn Văn Thọ đã phân tích, đánh giá những mặt hạn chế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, 9/13 chỉ tiêu kinh tế của tỉnh tăng trưởng thấp so với mức bình quân chung cả năm, gồm: GRDP; GRDP bình quân đầu người; giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải; doanh thu dịch vụ cảng; doanh thu dịch vụ lưu trú; kim ngạch xuất khẩu; giá trị sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, khu vực dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 23,15%. Nguyên nhân hạn chế này chủ yếu là do tác động của dịch COVID-19, dẫn đến các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng, thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp về thị trường.
Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 29/42 dự án khởi công. Nguyên nhân chính vẫn là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc. Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác để thực hiện các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn và kéo dài, nhất là các dự án trên địa bàn huyện Côn Đảo. Việc thực hiện các thủ tục thanh toán khối lượng, quyết toán các dự án hoàn thành của một số chủ đầu tư còn chậm. Công tác xác định giá đất có phần cải thiện nhưng chưa cao, tiến độ hoàn thành chậm.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đáng chú ý là ngành giáo dục vẫn còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu phòng học do công tác dự báo số lượng HS không sát thực tế. Đội ngũ GV, cán bộ quản lý có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới từ nền giáo dục chú trọng cung cấp kiến thức, kỹ năng sang nền giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực người học. Hoạt động của trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng tại một số nơi chưa được hiệu quả do vướng mắc về thực hiện chính sách xã hội hóa và biên chế làm việc chưa được giải quyết kịp thời…
CÒN TÌNH TRẠNG NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM
Trình bày tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, đất đai, quy hoạch, xây dựng vẫn là những vấn đề trọng tâm, được cử tri quan tâm, đề nghị tỉnh sớm có phương án giải quyết. Điển hình, việc chậm đầu tư, đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác thải tồn đọng tại khu vực Bãi Nhát (huyện Côn Đảo) và các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại dự án Khu nhà ở Khang Linh (phường 10, TP. Vũng Tàu)…
Ông Thuận phân tích, những vấn đề tồn tại nói trên có nguyên nhân chủ quan từ phía công tác tham mưu của các sở, ngành, địa phương chưa thống nhất được quan điểm xử lý, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, UBND tỉnh vẫn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và theo sát tiến độ thực hiện các giải pháp đề ra nhằm giải quyết tận cùng vấn đề kiến nghị của cử tri; để vụ việc kéo dài quá lâu, không xác định được cụ thể thời gian giải quyết.
Hôm nay, 12/12, đại biểu HĐND sẽ thảo luận tại hội trường về các vấn đề: Việc chưa giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 17; thảo luận về ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 19 và 54 ý kiến của đại biểu HĐND (tại Phiên thảo luận tổ ngày 4/12) về 8 nhóm lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh được Thường trực HĐND tỉnh chọn lựa, tổng hợp.
Trong ngày làm việc thứ nhất của Kỳ họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến về 8 báo cáo và 41 Tờ trình, trong đó có các nội dung: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; Phương án phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2021; kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Phê chuẩn kế hoạch đầu tư công năm 2021; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tỉnh…
|
Nhóm Phóng viên THỜI SỰ