Ngày 6/1/1946 là thời khắc đầu tiên nhân dân ta được cầm lá phiếu thực hiện quyền dân chủ xây nên Nhà nước của mình. Thời gian đã lùi xa 75 năm, nhưng sự kiện lịch sử trọng đại đó vẫn vẹn nguyên là mốc son trong lịch sử dân tộc.
Người dân Hà Nội bỏ phiếu bầu Quốc hội Khóa I vào ngày 6/1/1946 (Ảnh tư liệu) |
MẪU HÌNH CỦA DÂN CHỦ
Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, nhân dân được làm chủ vận mệnh đất nước thông qua Tổng tuyển cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bí mật. Dù mới lạ, nhưng đáp ứng đúng ý chí, khát vọng nên Tổng tuyển cử nhanh chóng trở thành ngày hội rộng lớn, sôi động của toàn dân.
Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, công dân nước ta từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt đàn ông hay đàn bà, giàu hay nghèo, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp, đảng phái đều được thực hiện quyền và nghĩa vụ thiêng liêng: Tự do ứng cử, tự do bầu cử. Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết”.
Để mở rộng khối đại đoàn kết, thực hiện chủ trương “Thống nhất, thống nhất và thống nhất”, tôn trọng người hiền tài, tập hợp mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm thiện chí vì lợi ích tối cao của dân tộc, Chính phủ mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử; người ứng cử được tự do lựa chọn nơi mình ứng cử, với thủ tục hành chính giản đơn nhất; số lượng ứng cử viên cho mỗi đơn vị bầu cử không bị hạn chế. Nhiều nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không đủ thời gian nộp đơn và vận động tranh cử, Chính phủ quyết định lùi bầu cử 14 ngày so với quy định ngày bầu cử trước đây. Người và Chính phủ đã truyền cảm hứng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhiều người ra ứng cử và tranh cử. Cả nước có hàng ngàn ứng cử viên, có đơn vị bầu cử số ứng cử viên gấp nhiều lần so với số lượng đại biểu được bầu, rất dễ cho cử tri lựa chọn bầu ai và không bầu cho ai.
Tiểu sử, ảnh của các ứng cử viên được đăng lên báo, quần chúng sôi nổi trao đổi, tranh luận; cùng với đó là các cuộc tiếp xúc của ứng cử viên với cử tri để trình bày chương trình hành động của mình và trả lời chất vấn diễn ra khắp nơi, trong bầu không khí tự do, dân chủ. Qua đó cử tri có cơ sở để lựa chọn người mình tín nhiệm.
Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra và thành công hơn mong đợi, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hội tụ được những người tự nguyện, ưu tú nhất- đó là Quốc hội của lòng dân, thật sự tiêu biểu cho khát vọng dân chủ và đại đoàn kết toàn dân. Thật tự hào và kiêu hãnh, lần đầu tiên ở Đông Nam châu Á, xuất hiện một Quốc hội dân chủ như thế.
DÂN KHÔNG BẦU NGƯỜI “DĨ CÔNG VI TƯ”
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến tiêu chuẩn người đại biểu nhân dân. Người cho rằng, đại biểu của dân phải “trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, dám hy sinh lợi ích cá nhân trước quyền lợi cử tri, đất nước”. Do vậy, theo Người “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể Quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”.
Người cảnh báo: “Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp dĩ công vi tư” và cần loại trừ ngay hiện tượng: “Nhờ tiền tài hay một thế lực khác mà chui lọt vào các ủy ban ấy”. Bởi khi đại biểu thiếu phẩm hạnh, được bố trí vào bộ máy, họ sẽ làm điều sai trái, gây tổn hại uy tín của Đảng, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân. Thông điệp và cũng là mệnh lệnh của Người gửi đến cử tri cả nước trước ngày bầu cử, là: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”. Và Người đặt trọn niềm tin vào cử tri, dù rằng “dân chúng chưa biết đọc, biết viết, chưa biết bàn luận những chuyện xa xôi, nhưng có một điều mà họ chắc chắn, biết rõ ràng hơn ai hết là quyền lợi của họ”, cho nên “Nhân dân sẽ biết sử dụng lá phiếu của mình, Tổng tuyển cử nhất định thành công”!
GIÁ TRỊ XUYÊN SUỐT
Trong bối cảnh đất nước “như ngàn cân treo sợi tóc”, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành, vậy mà Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử thành công trọn vẹn. Quốc hội ra đời là thành quả của cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài của nhân dân, là thắng lợi của ý chí và tinh thần đoàn kết, dân chủ của dân tộc. Từ Quốc hội bầu ra Chính phủ chính thức, ban hành Hiến pháp, tạo dựng chính quyền đại diện cho nhân dân về đối nội, đối ngoại. Đây là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ ở nước ta.
Tổng tuyển cử là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở đầu cho chế độ dân chủ và để lại nhiều bài học sâu sắc, quý giá. Bài học về niềm tin và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong kháng chiến, kiến quốc; về bảo đảm quyền tự do ứng cử, đề cử và bầu cử của công dân; về quyền vận động bầu cử công bằng, công khai, dân chủ và thực chất; về công tác tuyên truyền sâu rộng, chuẩn bị chu đáo, quy trình tổ chức bầu cử chặt chẽ, khoa học...
Những giá trị ấy vẫn còn nguyên vẹn, đó là hành trang vô giá đã kế thừa, phát huy trong 75 năm qua và hướng đến, kỳ vọng sẽ giành được thành công lớn hơn trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021 sắp tới.
NGUYỄN QUANG PHI