KỲ HỌP THỨ 19 HĐND TỈNH KHÓA VI, NHIỆM KỲ 2016-2021: Thông qua 41 Nghị quyết quan trọng

Thứ Hai, 14/12/2020, 09:18 [GMT+7]
In bài này
.

* Ông Nguyễn Công Vinh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh * Nghịch lý vốn chờ công trình * Gỡ ách tắc của ngành giáo dục

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Công Vinh, ông Nguyễn Văn Đồng và ông Huỳnh Văn Danh. Ảnh: TRẦN TRÀ
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Công Vinh, ông Nguyễn Văn Đồng và ông Huỳnh Văn Danh. Ảnh: TRẦN TRÀ

Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, dân chủ, với tinh thần trách nhiệm cao, sáng 13/12, Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh đã bế mạc. 

Tại Kỳ họp các đại biểu HĐND tỉnh đã thông qua 41 Nghị quyết quan trọng. Trong đó có các nghị quyết: Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025; Phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh năm 2021; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025; Phê chuẩn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Phê chuẩn kế hoạch đầu tư công năm 2021… 

Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã bỏ phiếu bầu ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT giữ chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bầu chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; Miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Huỳnh Văn Danh, nguyên Giám đốc Sở LĐTBXH vì đã được Tỉnh ủy điều động giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Bùi Thị Dung, nguyên Giám đốc Sở Công thương (nghỉ hưu theo chế độ); Bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương. 

Nghịch lý vốn chờ công trình

Giải ngân đầu tư công quá chậm, làm tắc nghẽn dòng vốn bơm vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội là nghịch lý lớn, kìm hãm sự phát triển. Kỳ họp HNĐN tỉnh lần thứ 19, đã dành trọn 1 buổi thảo luận trong chương trình nghị sự 2,5 ngày, để mổ xẻ những yếu kém, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu tháo bỏ điểm nghẽn này.

Điều hành Phiên thảo luận tại hội trường ngày 12/12, ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã thẳng thắn đề cập đến nhiều vấn đề còn tồn tại, thậm chí chưa được giải quyết dứt điểm qua các kỳ họp, mà nổi cộm là việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm. Trên cơ sở đó, đại biểu dành trọn buổi sáng để mổ xẻ, tìm giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” đầu tư công. 

Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2020, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 22,56% tổng kế hoạch vốn năm 2020, thấp hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2019 (29,5%) và tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước (33,9%). Cho đến cuối tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công có chuyển biến, nhưng vẫn giữ mức thấp. Cụ thể, đến 30/11 tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 58%. Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT thừa nhận: “Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, nhưng kết quả giải ngân chưa đạt được như mong muốn”. Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, nguyên nhân một phần do giãn cách xã hội, một số dự án phải dừng thi công, một số dự án gặp vướng mắc.

Trong số các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, TP.Vũng Tàu được đặc biệt chú ý vì tỷ lệ mới chỉ đạt 55%. Ông Hoàng Vũ Thảnh, Quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm do nhiều nguyên nhân như: công tác giải phóng mặt bằng quá khó khăn, thiếu quỹ đất tái định cư. TP.Vũng Tàu đề xuất 10 giải pháp để cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận cắt lời, cho rằng các giải pháp của TP.Vũng Tàu thiếu cụ thể. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị đi thẳng vào các vấn đề khó khăn nhất: tính toán giá bồi thường cho dân đối với dự án có thu hồi đất; giải ngân đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội và bố trí đất tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.

Ông Hoàng Vũ Thảnh cho biết: TP.Vũng Tàu sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TNMT tổ chức các hội thảo, nghiên cứu chính sách để áp dụng mức bồi thường sát với thị trường. Đối với các công trình nhà ở xã hội, thành phố kiến nghị đẩy nhanh tiến độ các dự án (6.000 căn, đã chào thầu giai đoạn 1). Về việc bố trí đất tái định cư, nhu cầu trong 5 năm tới, cần bố trí tới 6.900 căn. TP.Vũng Tàu đang tích cực rà soát các khu đất để có phương án phù hợp. “Riêng việc này, UBND tỉnh cũng đã giao thành phố rà soát và báo cáo trong quý I/2021” ông Hoàng Vũ Thảnh thông tin thêm.

Dự án đường Long Sơn - Cái Mép do BQL Dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư, là một trong những dự án gặp vướng mắc trong khâu GPMB. Ảnh: THANH NGA
Dự án đường Long Sơn - Cái Mép do BQL Dự án giao thông khu vực Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư, là một trong những dự án gặp vướng mắc trong khâu GPMB. Ảnh: THANH NGA

Liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành trong việc để xảy ra tình trạng thu hồi đất GPMB kéo dài, gây khó khăn cho cuộc sống người dân, ông Nguyễn Công Vinh nhìn nhận: Công tác quản lý các khu đất quy hoạch trong thời gian qua chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân xây dựng nhà ở trong khu quy hoạch, gây ra những khó khăn trong công tác bồi thường GPMB, và phát sinh những khiếu kiện kéo dài. Chưa kể, việc ra quyết định bồi thường, bố trí tái định cư quá chậm so với bảng giá đất đã được UBND tỉnh ban hành có khi đến vài, ba năm nên không còn phù hợp, buộc phải khảo sát lại về giá đất, khiến một số dự án phải điều chỉnh. 

Góp ý kiến để giải quyết vấn đề GPMB, đại biểu Nguyễn Văn Trình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: “Cần phải mạnh dạn chọn đất tốt bố trí tái định cư cho dân thì dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Làm như vậy để người dân hiểu được rằng họ được hưởng lợi từ dự án”. 

Ông Mai Ngọc Thuận hoàn toàn đồng tình với giải pháp này và viện dẫn thực tế: TP.Vũng Tàu khi thực hiện dự án mở rộng đường Nguyễn Tri Phương đã mạnh dạn bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi ở những vị trí tương xứng, và đã được nhân dân đồng thuận cao.

 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Mai Ngọc Thuận nhấn mạnh: “Trước đây luôn là công trình chờ vốn. Nay thì vốn chờ công trình. Đó là nghịch lý lớn. Giải ngân chậm, sử dụng nguồn vốn không hiệu quả là thiếu sót lớn. Vì vậy, HĐND tỉnh đề nghị tỉnh, sở, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể sau khi kế hoạch đầu tư công 2021 được HĐND tỉnh thông qua về: Tiến độ giải ngân từng công trình, rà soát trách nhiệm của chủ đầu tư, dự án có phù hợp với khả năng thực hiện nguồn vốn… Trong đó, ưu tiên đối với các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội làm trọng tâm, không chọn các dự án dễ làm, khó bỏ”.

Giải trình thêm tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu do tiến độ triển khai các dự án, do quy hoạch, do chính sách đất đai, chính sách tái định cư và giải phóng mặt bằng. “UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát tất cả quy hoạch, kiên quyết không để quy hoạch “treo”. Đối với chính sách tái định cư, phải bảo đảm người dân khi di dời đến chỗ ở mới phải tốt hơn và về lâu dài chúng ta không thực hiện các dự án tái định cư nhỏ lẻ mà quy hoạch những khu tái định cư có quy mô lớn 50-70 ha, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kinh tế, xã hội cho người dân.

Nhiều vấn đề liên quan đến ngành giáo dục đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa VI.  Trong ảnh: HS lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai trong tiết học Toán của cô Trần Thị Quỳnh. Ảnh: KHÁNH CHI
Nhiều vấn đề liên quan đến ngành giáo dục đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa VI. Trong ảnh: HS lớp 1/1 Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai trong tiết học Toán của cô Trần Thị Quỳnh. Ảnh: KHÁNH CHI

Gỡ ách tắc của ngành giáo dục

Trong phiên thảo luận tại hội trường, liên quan vấn đề xét tuyển viên chức giáo dục gặp nhiều khó khăn, bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT lý giải, nguyên nhân của thực trạng này là do công tác phê duyệt kế hoạch và thực hiện tuyển dụng của các địa phương còn chậm, không hoàn thành đúng kế hoạch do UBND tỉnh đề ra. Cùng với đó là vấn đề thiếu nguồn tuyển đủ chuẩn do việc lập kế hoạch xét tuyển còn cứng nhắc, quy định mới về chuẩn GV cấp MN, TH, THCS theo quy định của Luật Giáo dục mới được nâng lên.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Châu đề nghị tỉnh cho phép trong năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng GV thỉnh giảng theo chuẩn cũ, bởi hiện nay những hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thiếu sự đồng nhất, còn mâu thuẫn với Luật Giáo dục năm 2019.

Về việc mua sắm thiết bị cho lớp 1 chậm trễ, các đại biểu đề nghị Sở GD-ĐT cần làm rõ trách nhiệm. Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Ngọc Châu nhận trách nhiệm là người đứng đầu ngành nhưng chưa làm tròn trách nhiệm với HS. Bà Châu phân tích: “Việc chậm trễ này xuất phát từ sự chồng chéo trong quy định, dẫn tới Sở GD-ĐT và Sở Tài chính chưa thống nhất trong việc lập danh mục về tiêu chuẩn định mức thiết bị giáo dục chuyên dùng. Sở GD-ĐT và Sở Tài chính sẽ phối hợp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong quy trình mua sắm, bảo đảm học kỳ II năm học 2020-2021, tất cả các trường TH trên địa bàn tỉnh có đủ thiết bị dạy học lớp 1. Đồng thời, ngành cũng sẽ rút kinh nghiệm cho việc mua sắm trang thiết bị cho các năm tiếp theo phục vụ đổi mới chương trình SGK theo lộ trình”.

Về việc mua sắm thiết bị, đại biểu Bùi Chí Tình cho rằng, không phải chỉ cần hai Sở tiếp tục phối hợp là có thể giải quyết vấn đề mà quan trọng hơn cả là chấn chỉnh công tác cải cách hành chính trong nội bộ các sở.

;
.