Không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật
Đó là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tư pháp năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 tại 64 điểm cầu trên toàn quốc do Bộ Tư pháp tổ chức vào sáng 23/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. |
Thi hành xong trên 2,8 triệu việc, tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, năm 2020, bộ, ngành Tư pháp đã tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội thông qua 17 luật; các bộ, ngành trình Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 968 văn bản; ở cấp tỉnh, cấp huyện có gần 4.200 văn bản đã được ban hành.
Năm 2020, Bộ Tư pháp và tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã kiểm tra theo thẩm quyền gần 5.400 văn bản. Thông qua hoạt động kiểm tra, nhiều văn bản trái pháp luật được đề xuất xử lý kịp thời để ngăn ngừa, hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội. Năm 2020, ngành tư pháp đã tập trung rà soát được hơn 32.000 VBQPPL. Đặc biệt, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản đã tổ chức rà soát 10 chuyên đề, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh với gần 8.800 văn bản.
Bộ Tư pháp và hệ thống thi hành án dân sự (THADS) chỉ đạo, điều hành quyết liệt việc phòng chống tham nhũng, vi phạm trong thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó có trên 14.000 tỷ đồng từ các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi. Kết quả thi hành án hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, đã thi hành xong 363 việc (tăng 68 việc so với năm 2019). Tính chung trong cả nhiệm kỳ 2016-2020, các cơ quan THADS đã thi hành xong trên 2,8 triệu việc (tăng 20,3% so với nhiệm kỳ trước), tương ứng trên 205 nghìn tỷ đồng (tăng 56% so với nhiệm kỳ trước).
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực có bước phát triển mạnh mẽ, nổi bật là việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hộ tịch. Năm 2020 đã có gần 2 triệu trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân trên môi trường điện tử, tăng 1,4 lần so với năm 2019 và chiếm khoảng 40% tổng số từ năm 2016 đển nay. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, có trên 14 triệu thông tin cá nhân được chia sẻ cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gần 1,5 triệu thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thông qua liên thông TTHC điện tử và hàng triệu trường hợp đăng ký hộ tịch khác.
Kiến nghị mở rộng đối tượng ủy quyền tham gia tố tụng
Tại hội nghị, các địa phương cũng đã báo cáo tình hình tư pháp tại địa phương và đề xuất một số kiến nghị với Bộ Tư pháp và bộ, ngành Trung ương.
Tại điểm cầu BR-VT, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2020, tổng số bản án, quyết định của cơ quan Tòa án về vụ án hành chính phải thi hành của UBND, Chủ tịch UBND các cấp là 62 vụ, đã thi hành xong 35 vụ và đang thi hành 27 vụ. Qua thực tiễn thực hiện pháp luật về tố tụng hành chính, thi hành án hành chính, UBND tỉnh BR-VT kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về ủy quyền tham gia tố tụng theo hướng mở rộng đối tượng được ủy quyền, như giao người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh được tham gia tố tụng vừa bảo đảm thời gian vừa nắm vững nội dung vụ việc; cử cán bộ làm công tác Thanh tra cấp
tỉnh được tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho UBND, Chủ tịch UBND tỉnh trong các vụ kiện hành chính, vì cơ quan Thanh tra là cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
Ngoài ra, ông Trần Văn Tuấn còn kiến nghị, trên địa bàn tỉnh có một số vụ việc thuộc trách nhiệm thi hành án hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng nội dung và căn cứ pháp lý chưa thuyết phục và khó thi hành trên thực tế. UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, do vậy UBND tỉnh kiến nghị được làm việc, báo cáo trực tiếp với lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để giúp UBND tỉnh giải quyết dứt điểm các vụ việc. Cụ thể là 2 bản án liên quan đến khởi kiện của ông Lê Ân ở TP. Vũng Tàu.
Không ngừng hoàn thiện thể chế pháp luật
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bộ và ngành tư pháp phải quan tâm nhiều hơn nữa đến yếu tố con người vì ngành tư pháp cũng giống như ngành y, con người là yếu tố quyết định sự thành bại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bộ và ngành tư pháp hiện nay có khoảng 45.000 cán bộ, công chức, viên chức, nếu những người này thực sự giỏi về pháp luật cả trong nước và quốc tế, có trách nhiệm cao đối với công việc thì sẽ có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng lưu ý, hoàn thiện thể chế pháp luật và thực thi thể chế pháp luật là nền tảng quan trọng để xây dựng, phát triển đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại yêu cầu từ đầu nhiệm kỳ này đó là trong quá trình Chính phủ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và DN thì không được phép để xảy ra tham nhũng và lợi ích nhóm trong hoàn thiện và xây dựng pháp luật. Vì thế, bộ và ngành tư pháp phải quán triệt sâu sắc và thực hiện đúng chủ trương này. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ tới, Bộ Tư pháp phải vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa bảo đảm hệ thống pháp luật bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu với hội nghị tại điểm cầu BR-VT. |
Bài, ảnh: THÀNH HUY