Thổi bùng khát vọng vươn lên, đưa đất nước "cất cánh"

Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:51 [GMT+7]
In bài này
.

Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố và đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, quan điểm "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc" là một trong những điểm nhấn.

Khát vọng phát triển của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song.

Ngày 28/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN
Ngày 28/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TTXVN

ĐỘNG LỰC TINH THẦN MẠNH MẼ CỦA TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN TỘC

Theo đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, ngay từ giai đoạn đầu tiên xây dựng văn kiện Đại hội XIII, lãnh đạo Đảng và Tiểu ban văn kiện đã muốn đưa vào chủ đề Đại hội cụm từ "khơi dậy khát vọng", bởi đó là tinh thần, động lực rất mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Đồng chí Trương Thị Mai cho biết trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 13, khi cho ý kiến về dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, Bộ Chính trị có thảo luận về việc đưa cụm từ "khơi dậy khát vọng" vào chủ đề Đại hội và đề nghị cần làm rõ ngay trong chủ đề nội hàm của cụm từ này. "Khát vọng là khát vọng gì? không thể nói là khơi dậy khát vọng mà không có mục tiêu. Và vì vậy, chủ đề Đại hội XIII khi công bố toàn văn có nêu là "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước", đồng chí Trương Thị Mai nói.

Khát vọng phát triển đất nước được thể hiện với 3 mục tiêu, tầm nhìn cụ thể. Đó là phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. "Một khát vọng đi tới 25 năm để đến mốc Việt Nam trở thành đất nước phát triển thu nhập cao vượt qua được ngưỡng thu nhập trung bình. Đây là một mục tiêu rất lớn", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương phân tích: "Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua nghèo đói, lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc. Như vậy, lần này chúng ta nhấn mạnh đến nội dung phải khơi dậy ý chí, khát vọng dân tộc".

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc gắn liền với quá trình xây dựng và phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị chuẩn mực, cùng sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn liền với phát huy đồng bộ hệ động lực phát triển: dân chủ xã hội chủ nghĩa; đại đoàn kết toàn dân tộc; sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG CỦA DÂN TỘC LÀ HỢP VỚI QUY LUẬT, TỰ NHIÊN

Ghi nhận từ các hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII cho thấy các tầng lớp nhân dân rất đồng tình và đánh giá cao việc Đảng xác định khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng vươn lên phát triển đất nước phồn vinh là một động lực phát triển.

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Thái Bình cho rằng chủ trương của Đảng khơi dậy khát vọng của dân tộc, vươn tới đỉnh cao là hợp với quy luật, tự nhiên và lòng người.

"Tôi cho rằng một khi Đảng đã khơi dậy được khát vọng, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc thì sẽ trở thành một lực lượng có sức mạnh vô địch. Nếu toàn dân tộc cùng thống nhất một ý chí, một khát vọng vươn lên để bằng và hơn các nước thì đó là điều hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hiện nay", ông Nguyễn Văn Hán chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hán, trong suốt cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, xóa đói giảm nghèo thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã huy động nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực tinh thần của nhân dân. Và nay trong tình hình xây dựng đời sống mới, việc tận dụng, khơi dậy nguồn lực tinh thần của nhân dân, biến nó thành tinh thần dân tộc, khát vọng vươn lên là một điều tất yếu.

Nếu kết hợp hiệu quả yếu tố trên với các quan điểm mới về "dân giám sát, dân thụ hưởng" bổ sung vào phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" cũng được thể hiện trong dự thảo văn kiện thì chắc chắn đất nước sẽ "cất cánh" vươn lên- ông Nguyễn Văn Hán nhận định.

Đánh giá cao việc Đảng nhấn mạnh đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII, ông Phạm Đức Thọ, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh Phú Thọ phân tích: Đây là một nội dung phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của nhân dân, xu hướng phát triển của đất nước. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, nền kinh tế của đất nước và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Đặc biệt qua công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, thực hiện tốt mục tiêu kép, Việt Nam đang là nước được quốc tế đánh giá rất cao. Vì vậy, dự thảo văn kiện Đại hội XIII lần này đưa ra quan điểm về khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển bền vững là rất hợp lý và chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để hiện thực hóa khát vọng này- ông Phạm Đức Thọ tin tưởng.

KHƠI DẬY KHÁT VỌNG VƯƠN LÊN TRONG MỖI NGƯỜI

Dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII có nhiều lần nêu đến cụm từ "khát vọng" và mục tiêu của khát vọng là phải phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Anh Vũ Minh Thảo, Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn cho rằng chưa bao giờ nội hàm "khát vọng" lại được nhấn mạnh và thể hiện đậm, rõ nét, xuyên suốt như vậy.

"Là một người trẻ, tôi rất đồng tình và tán đồng với quan điểm này", anh Vũ Minh Thảo chia sẻ và cho rằng, để thổi bùng và mãnh liệt khát vọng này, không ai khác chính là những người trẻ - những người được kỳ vọng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước - phải được châm ngòi, nuôi dưỡng và tạo môi trường thuận lợi để biến những khát vọng thành những hành động có mục tiêu gắn với từng điều kiện rất cụ thể của cá nhân, đơn vị, địa phương…

Anh Vũ Minh Thảo kiến nghị Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế-xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; chú trọng hơn giáo dục đạo đức, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy trong mỗi cá nhân người dân, đặc biệt là giới trẻ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Dẫn thực tiễn hoạt động công đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Hòa Bình Nguyễn Đức Thuận cho rằng trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội tác động đến tư tưởng của công nhân lao động, nhất là công nhân lao động trẻ dẫn đến một bộ phận có những suy nghĩ, lối sống lệch lạc; nhận thức về chính trị, xã hội, trách nhiệm của công dân, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động còn rất hạn chế; chỉ chú trọng đến những vấn đề lợi ích liên quan trực tiếp đến bản thân; có tâm lý a dua, chạy theo đám đông...

Để giai cấp công nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng như dự thảo Báo cáo chính trị nêu; xứng đáng là lực lượng đóng góp hơn 70% tổng sản phẩm xã hội và 80% ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần vào nỗ lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của Đảng, ông Nguyễn Đức Thuận kiến nghị Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn cần đặc biệt đề cao công tác tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, chính trị-tư tưởng cho đội ngũ công nhân với những đổi mới về hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục.

Ông Nguyễn Đức Thuận nhấn mạnh, giai cấp công nhân chỉ thực sự mạnh khi có trong đội ngũ những công nhân lành nghề, vững vàng về chính trị-tư tưởng, có ý chí vượt qua khó khăn, khát vọng vươn lên trong nghề nghiệp, cuộc sống để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh.

TTXVN

 

;
.