Hoàn thành quy hoạch báo chí trong năm 2020
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu) về quy hoạch báo chí và công tác quản lý báo chí nói chung trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, trong năm 2020 sẽ thực hiện xong quy hoạch báo chí.
Theo Bộ trưởng, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt quy hoạch thì đến tháng 6/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai. Từ tháng 8/2019, Bộ và Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Tháng 6/2020, Bộ có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch. Theo đó, 33 tổ chức hội có cơ quan báo, tạp chí đã quy hoạch xong. Ở bộ, ngành có 13/29 cơ quan phải triển khai quy hoạch và hiện còn hai cơ quan đã có phương án nhưng chờ hồ sơ cấp phép. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau quy hoạch, vẫn còn nhiều công việc khác phải làm như xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, chính sách hỗ trợ báo chí...
|
Ngày 6/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng đã đăng đàn trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, làm rõ các vấn đề được cử tri quan tâm. Đáng chú ý, trong phần chất vấn là các nội dung liên quan đến tình hình phòng chống dịch COVID-19 và giải pháp ứng phó với thiên tai.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn (BR-VT) chất vấn tại Kỳ họp. Ảnh: HUỲNH KHÁNG |
KHÔNG CHỦ QUAN TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dĩ nhiên là người đón nhận nhiều những câu hỏi liên quan đến tình hình dịch COVID -19. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu trong phần chất vấn của mình đều cho rằng Việt Nam đã rất thành công trong phòng, chống dịch COVID-19. Dù vậy, các ĐBQH rất quan tâm đến việc Chính phủ sẽ hành động như thế nào để ngăn chặn nguy cơ bùng phát một đợt dịch mới, cũng như tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19. Đại biểu Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nêu vấn đề: “Nguy cơ dịch COVID - 19 vẫn tiềm ẩn và khó lường. Phó Thủ tướng có thể cho biết những giải pháp căn cơ phòng, chống dịch lây nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới, cũng như tiến độ nghiên cứu vaccine phòng COVID-19”.
Trả lời đại biểu Dương Tấn Quân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Bên ngoài sóng to gió lớn thì bên trong phải bao chặt”. Theo đó, Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh (cả trái phép và hợp pháp). Việt Nam cũng đã đón khoảng 200.000 người nhập cảnh, gồm các chuyên gia, người lao động, người Việt Nam ở các nước, vùng lãnh thổ. Trong nước sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp. Tất cả các cơ sở y tế (gồm bệnh viện công lập, phòng khám tư nhân, nhà dưỡng lão), trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng... vẫn phải thực hiện đầy đủ quy định hướng dẫn, đảm bảo an toàn. “Chúng ta đã đưa lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, sẽ có hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu mức xanh mới được tiếp tục hoạt động”, Phó Thủ tướng thông tin.
Về tiến độ nghiên cứu vaccine, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vaccine bình thường cũng phải mất ít nhất 5-10 năm mới có để kiểm nghiệm tác dụng phòng bệnh và tác dụng phụ. Đối với dịch COIVID -19, thế giới đang tập trung nghiên cứu sản xuất vaccine. Theo Phó Thủ tướng, ở trong nước nhanh nhất cuối năm 2021, đầu năm 2022, mới sản xuất được vaccine. Trong khi đó việc mua vaccine trên thế giới tương đối khó khăn. “Việc mua vaccine sớm không hề dễ, vì hiện nay, nhu cầu đang cao hơn năng lực sản xuất. Chính phủ các nước muốn mua vaccine phải đặt cọc, trả tiền trước, rủi ro rất cao.
9 GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THIỆT HẠI THIÊN TAI
Trả lời đại biểu Dương Tấn Quân (BR-VT) cũng như các đại biểu khác về đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung, nguyên nhân, giải pháp, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nay tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão lũ và sạt lở đất đang là thách thức lớn với hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tập trung những nguyên nhân chủ quan của sạt lở đất, Phó Thủ tướng cho biết, tình trạng phá rừng để làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp, phát triển kinh tế vẫn chưa được ngăn chặn triệt để và có hiệu quả, đặc biệt là tình trạng phá rừng, lấy gỗ, xây nhà... Việc trồng rừng thay thế chưa được kiểm soát chặt chẽ. Từ đó đã ảnh hưởng đến bảo vệ môi trường, giữ nước ngọt và cũng là một nhân tố gây sạt lở đất khi có mưa lũ.
Các hoạt động đầu tư xây dựng công trình hạ tầng, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại các khu vực miền núi như các công trình giao thông, đường dây tải điện, hệ thống đường ống... đã làm thay đổi địa hình, tác động tới ổn định kết cấu địa chất và dễ gây sạt lở, cản trở thoát lũ làm cho lũ dâng cao.
Việc xây dựng các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện… nếu không được kiểm soát chặt chẽ từ khâu quy hoạch, lập dự án, đánh giá tác động môi trường, cho đến khâu đầu tư xây dựng và quản lý vận hành sẽ tác động rất lớn đến mưa lũ, sạt lở đất và đe dọa đến an toàn vùng hạ du.
Phó Thủ tướng nêu 9 nhiệm vụ, giải pháp lớn cần thực hiện: Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập đê điều, đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển; tiếp tục đầu tư chương trình nhà vượt lũ của các tỉnh duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; nâng cao năng lực của các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, trong đó tăng cường tính chuyên nghiệp Trung ương đến cơ sở. Đầu tư các phương tiện, thiết bị chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; Lồng ghép đầu tư công tác phòng, chống thiên tai trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương; Bố trí đủ kinh phí cho cho công tác phòng chống thiên tai.
TUỆ LÂM - PHAN PHƯƠNG