Xây tặng nhà, hỗ trợ vốn giúp người nghèo có sinh kế để ổn định cuộc sống, tặng nhu yếu phẩm... là những hoạt động thiết thực nhằm chăm lo cho người nghèo được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Những việc làm đó đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Năm (tổ 1, khu phố 4, phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) được UBMTTQVN phường hỗ trợ 20 con thỏ trong mô hình “Hỗ trợ con giống giúp hộ thoát nghèo cải thiện đời sống”. |
AN CƯ TRONG NGÔI NHÀ MỚI
Trong nhiều năm, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (tổ 7, khu phố Phước Lộc, phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ) phải sống trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ. Ngôi nhà xuống cấp đã lâu, nền thấp hơn đường hẻm. Trời nắng thì hầm hập nóng, trời mưa, cả nhà phải hò nhau tát nước ra ngoài. Chồng bà làm thợ hồ, bà buôn bán nhỏ mưu sinh. Trong 4 người con, 2 người lớn đã lập gia đình và ở riêng nhưng còn khó khăn nên không giúp gì được cha mẹ, 2 con nhỏ cũng nghỉ học giữa chừng.
Mới đây, UBMTTQVN phường vận động Giáo xứ Phước Lộc giúp đỡ 60 triệu đồng để gia đình bà xây dựng căn nhà mới. Bà con chòm xóm, anh em hỗ trợ thêm tiền, vật liệu xây dựng và ngày công lao động. Sau gần 2 tháng thi công, căn nhà đang dần hoàn thiện. Căn nhà diện tích 60m2, có gác xép với 3 phòng ngủ, 1 phòng khách và gian bếp ấm cúng. “Ngoài 50 tuổi, mấy chục năm làm thợ hồ, xây bao nhiêu ngôi nhà, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tự tay xây nên ngôi nhà của mình. Tôi rất biết ơn chính quyền địa phương, MTTQ và giáo xứ cùng anh em, bà con chòm xóm đã quan tâm giúp đỡ gia đình tôi”, ông Trần Lâm, chồng bà Lan xúc động nói.
Tương tự, nhiều hộ nghèo cũng được chính quyền, MTTQ các cấp quan tâm, giúp đỡ để họ được ở trong căn nhà mới khang trang, kiên cố. Ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp An Bình, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) mắc bệnh suy thận từ năm 2015. Mất sức lao động, số tiền dành dụm được cũng phải chi dùng để chữa bệnh cho ông trong khi vợ ông không có việc làm ổn định, người con thứ 3 thì trí não chậm phát triển, còn bé út đang học mẫu giáo. Gia đình ông trở thành hộ nghèo, phải sống trong căn nhà đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Năm 2019, UBMTTQVN xã Lộc An đã vận động, hỗ trợ gia đình ông 60 triệu đồng xây dựng căn nhà mới, tặng ông thẻ BHYT để đỡ chi phí chạy thận. “Tôi không dám mơ sẽ có ngày được ở trong ngôi nhà khang trang như vậy”, ông Hoàng bày tỏ.
Theo thống kê của UBMTTQVN tỉnh, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 81 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa 1.385 căn nhà đại đoàn kết, cùng nhiều hoạt động trợ giúp gia đình khó khăn đột xuất, giúp đỡ con em hộ nghèo tiếp tục đến trường. 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 7 tỷ đồng, xây dựng 32 căn nhà đại đoàn kết trị giá hơn 2 tỷ đồng, sửa chữa 37 căn trị giá hơn 605 triệu đồng cho hộ nghèo; cấp, phát hơn 56 ngàn thẻ BHYT cho người nghèo; trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho hơn 26 ngàn lượt đối tượng...
Theo báo cáo của UBMTTQ Việt Nam tỉnh, trong 5 năm (từ 2015-2020) thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ các cấp đã xây dựng 282 mô hình thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động, góp phần quan trọng trong công tác hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Công tác vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” đã phát huy hiệu quả, với số tiền hơn 81 tỷ đồng. |
CHUNG SỨC GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Thời gian qua, MTTQ và các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều phong trào thi đua giảm nghèo. Các mô hình giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế khá đa dạng như: CCB đoàn kết giúp nhau xây dựng nhà Nghĩa tình đồng đội; Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ; Nông dân giúp nhau giảm nghèo, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi; Thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế...
Năm 2020, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã xây dựng 90 mô hình giảm nghèo nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó phải kể đến các mô hình hỗ trợ BHYT; hỗ trợ vốn tạo việc làm, sinh kế. Hình thức hỗ trợ hộ nghèo cũng phong phú, phù hợp tình hình thực tế địa phương và nhu cầu, khả năng của từng gia đình.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trinh (tổ 11, ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) bị bệnh, không thể lao động nặng, chồng chị làm mướn, thu nhập bấp bênh, trong khi 2 con còn đi học nên hoàn cảnh khó khăn. Tháng 8 vừa qua, UBMTTQVN xã hỗ trợ chị 150 con gà giống và thức ăn cho gà, với tổng trị giá 12 triệu đồng. Sau hơn 3 tháng, đàn gà đạt trọng lượng trên dưới 2kg/con, chuẩn bị xuất chuồng. “Tôi dự kiến nuôi thêm hơn 1 tháng nữa sẽ xuất bán phân nửa, còn lại để làm giống, tăng đàn. Nhờ được hỗ trợ con giống và thức ăn chăn nuôi, tôi đã có việc làm phù hợp sức khỏe. Chịu khó thì đời sống sẽ dần ổn định”, chị Trinh phấn khởi nói.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, đoàn thể đã thực hiện mô hình gian hàng 0 đồng, chợ 0 đồng, bữa sáng miễn phí, quán cơm 0 đồng... để giúp đỡ người nghèo vơi bớt khó khăn.
Đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh còn dưới 0,9%, tỷ lệ hộ nghèo chuẩn quốc gia còn 0,1%. |
Theo ông Nguyễn Kế Toại, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự phối hợp thực hiện của các cấp chính quyền, sự tham gia của các tổ chức thành viên và được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh. Phương thức vận động có nhiều đổi mới, trong đó Mặt trận vừa vận động trực tiếp các nguồn lực vừa hướng dẫn, kết nối để DN, tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ người nghèo; chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các gia đình thoát nghèo bền vững theo địa chỉ cụ thể. Các tổ chức thành viên cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ người nghèo một cách thiết thực, hiệu quả về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, dạy nghề, giới thiệu việc làm; bảo lãnh cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tăng thu nhập… Với nhiều giải pháp đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo ngày càng được cải thiện, nâng lên rõ rệt, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
“MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tổ chức điển hình trong công tác chăm lo cho người nghèo, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng”, ông Nguyễn Kế Toại nhấn mạnh.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH