.
KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH PH. ĂNGGHEN (28/11/1820-28/11/2020)

Nhà lý luận lỗi lạc và là chiến sĩ cách mạng vĩ đại

Cập nhật: 18:54, 27/11/2020 (GMT+7)

200 năm đã qua, nhân loại vẫn phải thừa nhận, tôn vinh Ph. Ăngghen - nhà lý luận chính trị, nhà khoa học, một triết gia đã cùng với Các Mác sáng lập chủ nghĩa Cộng sản và ông trở thành lãnh tụ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Từ những năm tháng tuổi trẻ

Ăngghen sinh ngày 28/11/1820, là công dân nước Phổ. Ông sinh ra trong một gia đình có cha là nhà tư sản, mẹ là một trí thức.

Từ nhỏ, Ăngghen đã căm thù chế độ chuyên chế và sự chuyên quyền của bọn quan lại Vương quốc Phổ. Với tố chất thông minh, năng động, ham học hỏi, ông không chỉ học hành chuyên cần, mà còn rất thích chơi thể thao, cưỡi ngựa, đánh kiếm, đam mê âm nhạc, thích tiếp xúc với cuộc sống của những người lao động nghèo khổ. Tính độc lập cao cùng với tư duy sắc sảo, ông luôn thực hành phương châm “Tôi nghi ngờ những gì mà tôi chưa rõ”. Ông không tin một cách đơn giản vào sách giáo khoa và lời giảng của thầy, luôn suy nghĩ, tìm tòi, hoài nghi, rồi tự tìm đọc thêm tài liệu để giải đáp cho mình. Ông say mê học ngoại ngữ, nhiều giáo sư phải kinh ngạc: “Có những đứa trẻ kỳ diệu, những thần đồng... và Ăngghen là một trong những đứa trẻ như vậy”. 17 tuổi, Ăngghen đã nói và viết thành thạo 15 ngoại ngữ, từ tiếng Latinh đến tiếng cổ Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Ý... 

Năm 1837, Ăngghen bỏ dở chuyện học hành và bắt đầu công việc buôn bán. Dù công việc không hấp dẫn, nhưng ông lại có khoảng thời gian quý giá để tự nghiên cứu sử học, triết học, văn học, mỹ học, toán học...

Tháng 10/1942, sau mãn hạn thời gian đi lính ông trở về quê hương và chỉ sau một tháng ông sang Anh. Như định mệnh của lịch sử, tại đây ông gặp Các Mác! Hai con người xa lạ, nhưng cùng chung lý tưởng đã nhanh chóng nảy nở tình cảm và trở thành đôi bạn vĩ đại nhất trong lịch sử. Sự kết nối hai tâm hồn, hai nhân cách, hai bầu nhiệt huyết, hai bộ óc vĩ đại không chỉ đã làm thay đổi cuộc đời Ăngghen, mà còn giúp cho lịch sử loài người bước sang trang mới.

Đến những cống hiến vô giá

Ăngghen là người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất của Các Mác, đã cùng với Mác sáng lập nên chủ nghĩa Mác - học thuyết cách mạng và khoa học- vũ khí sắc bén, ngọn đuốc soi đường cho giai cấp công nhân và những người cộng sản đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản!

Lênin cho rằng: “Không thể hiểu chủ nghĩa Mác và không thể trình bày chủ nghĩa Mác một cách hoàn chỉnh nếu không chú ý đến những tác phẩm của Ăngghen”. Ăngghen tự mình viết một loạt tác phẩm có giá trị sâu sắc về lý luận và thực tiễn, như: Tình cảnh giai cấp công nhân Anh; Chống Đuyrinh; Nguồn gốc gia đình; Chế độ tư hữu nhà nước; Biện chứng tự nhiên... Ông đã thể hiện tư duy uyên bác trên mọi lĩnh vực: Triết học, kinh tế chính trị học, đạo đức và pháp quyền, sinh vật học, hóa học, vật lý học, vũ trụ học, khoa học quân sự... Nhiều công trình lý luận nổi tiếng, trở thành những tác phẩm kinh điển mang tên Mác - Ăngghen ra đời, như: Tuyên ngôn Đảng Cộng sản; Gia đình thần thánh; Hệ tư tưởng Đức... Và nhiều tác phẩm của Mác được viết dựa trên ý tưởng, kiến thức của Ăngghen. Mác coi trọng ý kiến của Ăngghen hơn ý kiến bất cứ ai. Mác vô cùng khâm phục Ăngghen: “Khỏi phải nói Phridrich là một khối óc sắc sảo, ông biết rộng vô cùng! Quả là một pho bách khoa toàn thư”. Từ khi kết bạn đến khi Mác qua đời (1883), hai ông đã viết cho nhau 1.386 bức thư, mà theo Lênin những bức thư đó “có giá trị khoa học và chính trị rất lớn”.

Trong khoảng 40 năm, Ăngghen cùng với Mác nghiên cứu, kế thừa tinh hoa của nhân loại, tắm mình trong thực tiễn phong phú, sinh động của phong trào đấu tranh cách mạng để xây dựng nên một học thuyết, một hệ thống lý luận cách mạng và khoa học: Sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; phát hiện ra quy luật khách quan của sự phát triển xã hội và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; xây dựng lý luận giá trị thặng dư với các quy luật chi phối sự vận động, phát triển và diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản...

Không chỉ là nhà tư tưởng, lý luận vĩ đại, Ăngghen đã đem hết bầu nhiệt huyết, trí tuệ sáng suốt của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm, kiên cường đấu tranh cho sự nghiệp của giai cấp công nhân. Tham gia Quốc tế I, Ăngghen cùng với Mác đấu tranh không khoan nhượng chống lại khuynh hướng cải lương, biệt phái và ủng hộ, tích cực giúp đỡ các chiến sĩ Công xã Paris. Ông tiên phong truyền bá tư tưởng cách mạng, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân, trở thành lãnh tụ của giai cấp công nhân của các nước châu Âu ở nửa cuối thế kỷ XIX. Khi Mác qua đời, ông tiếp tục sự nghiệp tổ chức, giác ngộ giai cấp công nhân, bảo vệ và tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác. Những nhà XHCN Pháp, Áo, Hungari, Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha, Nga, Hà Lan... đều nhận được sự giúp đỡ vô giá từ Ăngghen.

 Ăngghen là người cha tinh thần, vị lãnh tụ, người bạn thân thiết, sống mãi trong lòng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và loài người tiến bộ với sự ngưỡng mộ, kính trọng và biết ơn vô hạn, bởi “ Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”, Lênin đánh giá.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.