KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước

Thứ Năm, 12/11/2020, 21:13 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, ngày 12/11, QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; công tác nhân sự; biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH  tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ  an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT phát biểu tại buổi thảo luận tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với 446/448 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,53%, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021. Theo đó, Quốc hội quyết nghị, năm 2021, tổng số thu ngân sách Nhà nước là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách Nhà nước là 1.687.000 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 608.569 tỷ đồng.

Đối với việc điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020, Nghị quyết nêu rõ: Tăng bội chi ngân sách Trung ương là 133.500 tỷ đồng; trong năm 2020, không thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng; bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước 533,647 tỷ đồng từ nguồn 70% lệ phí xuất, nhập cảnh được phép để lại từ năm 2011 đến năm 2014 còn dư của Bộ Công an.

Nghị quyết cũng bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Trung ương 26.142,81 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và nguồn tài chính hợp pháp khác.

Nghị quyết bổ sung dự toán thu ngân sách Nhà nước và chi đầu tư phát triển 76,296 tỷ đồng từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Cộng hòa Ireland để thực hiện Dự án hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 cho 5 địa phương: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Kon Tum và Trà Vinh.

Cũng trong ngày làm việc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao với 441/446 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,49% tổng số đại biểu Quốc hội. Ba Thẩm phán gồm: Ông Trần Hồng Hà, là Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Ông Phạm Quốc Hưng, hiện là Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình; Ông Ngô Hồng Phúc, là Chánh tòa Hình sự, TAND cấp cao tại Hà Nội.

Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự: Bộ trưởng Bộ KH-CN đối với ông Huỳnh Thành Đạt. Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng.

Ông Huỳnh Thành Đạt, 58 tuổi, quê huyện Mỏ Cày, Bến Tre, là Phó Giáo sư-Tiến sĩ Vật lý. Ông từng trải qua các vị trí tại Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh như Phó Trưởng phòng và Trưởng Phòng Tổ chức-Hành chính của Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh); Chánh Văn phòng, Phó Giám đốc thường trực và Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

Thảo luận tổ về Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cho rằng, dự án luật này đã quy định rõ chính sách và phù hợp với thực tế công việc hiện nay của lực lượng dân quân và lực lượng tự vệ. Hai lực lượng này có sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, ở phần chế độ chính sách, Luật nên quy định chế độ cho 2 lực lượng này giống nhau. Ngoài ra, Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần bổ sung quy định, khi các lực lượng này tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà bị thương hay hy sinh thì phải công nhận thương binh hoặc liệt sĩ.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng cho rằng, về độ tuổi, Dự án Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên nhưng không quy định độ tuổi tối đa là chưa phù hợp. Dự án Luật nên bổ sung quy định về độ tuổi tối đa. Ngoài ra, theo Dự án Luật, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bao gồm: Các chức danh tổ trưởng, tổ phó, tổ viên, tổ an ninh trật tự và tổ an ninh trật tự thường trực tại trụ sở công an xã, phường, thị trấn gọi chung là công an cấp xã, nhưng lại không quy định số lượng mà giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cả nước. Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị trong luật cần quy định rõ số lượng của lực lượng này.

Bà Nguyễn Thị Hồng, 52 tuổi, quê Hà Nội, Thạc sĩ Kinh tế; từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Long, 54 tuổi, quê Nam Định, là Tiến sỹ Y học, trải qua nhiều cương vị tại Bộ Y tế. Ông từng đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2011. Tháng 10/2018, ông được điều động làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và được bổ nhiệm trở lại làm Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 1/2020.

HỒNG PHƯƠNG - TTXVN

;
.