ĐỢT HỌP THỨ 2, KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHÓA XIV: Đầu tư thủy điện vừa và nhỏ là "lợi bất cập hại"
Đại biểu Quốc hội cho rằng, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là “lợi bất cập hại”. Nhiều cử tri phản ánh, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp. Đây là vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 3/11, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân phát biểu trước diễn đàn Quốc hội sáng 3/11. Ảnh: QUỐC HỘI |
CÂN NHẮC LOẠI BỎ CÁC DỰ ÁN THỦY ĐIỆN VỪA VÀ NHỎ
Đề cập vấn đề an ninh nguồn nước, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, qua thực tiễn thiên tai, bão lụt miền Trung hiện nay cho thấy vấn đề này phải gắn liền với phòng, chống thiên tai, lụt bão và vấn đề an ninh năng lượng. Đó là vấn đề rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, an toàn hồ đập, vấn đề xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vấn đề quy hoạch xây dựng hạ tầng.
Nữ đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tiếp tục cho thực hiện chương trình trồng rừng tương tự như chương trình trồng rừng 327 trước đây. Có thể nói rằng, chúng ta đang bị suy giảm rừng nguyên sinh khá nhiều. Vì vậy, vấn đề trồng rừng tái sinh là vấn đề hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, có rừng sẽ giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.
Trong chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có nội dung trồng rừng tái sinh và bố trí vốn cho việc này. “Việc này vì lợi ích trước mắt và lâu dài cho con cháu chúng ta như lời Bác Hồ dạy “vì lợi ích 10 năm trồng cây”, bà Nguyễn Thị Xuân nói.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và các tỉnh miền núi phía Bắc, cần cân nhắc loại bỏ các dự án thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch điện đến năm 2030.
“Trong thực tế, việc làm thủy điện vừa và nhỏ như vừa qua là “lợi bất cập hại”, sông, suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước. Nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất đều thiếu. Các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực hạ lưu, rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để. Nhiều cử tri cho rằng, thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp” - nữ đại biểu đoàn Đắk Lắk thẳng thắng nói.
PHẢI NHÌN NHẬN ĐÚNG TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC BẢO VỆ RỪNG
Cũng bày tỏ quan tâm về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh rừng có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống con người cũng như việc bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai, nhất là trong những năm trở lại đây, chất lượng môi trường nước ta đang biến đổi theo chiều hướng bất lợi.
Những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, làm tăng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020. Chính sách giao đất, giao rừng sản xuất cho hộ gia đình, doanh nghiệp là giải pháp mang tính đột phá cho việc chăm lo giữ rừng, trồng rừng cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.
Bãi nhiệm Đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc
Chiều 3/11, với 429/431 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 89% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bãi nhiệm ĐBQH khóa XIV đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Phú Quốc thuộc Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh, đơn vị bầu cử số 4 gồm: quận 5, quận 10, quận 11 (TP.Hồ Chí Minh). Ông Phạm Phú Quốc xin nhập Quốc tịch Cộng hòa Síp và đã có quốc tịch Cộng hòa Síp nhưng không báo cáo với cơ quan, tổ chức là không trung thực, vi phạm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội theo quy định tại Điều 22 Luật Tổ chức Quốc hội.
|
Tuy nhiên, theo đại biểu, quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển KT-XH gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng rừng, phân tán rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả.
Trong nhiệm vụ giải pháp phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025 Chính phủ đã đưa ra giải pháp xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp phát triển kinh tế vùng, lấy phân vùng làm cơ sở để đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt quan tâm tới vùng miền núi, nơi có rừng đầu nguồn để đầu tư các nguồn lực hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo Quyết định 26 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021-2025 đối với các tỉnh có diện tích che phủ rừng trên 50% được tính 2 điểm là rất thấp, không đủ nguồn lực để các địa phương giữ rừng và để người dân ở khu vực này yên tâm bảo vệ, phát triển rừng.
“Hơn nữa, trước những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, cần phải nhìn nhận đúng tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng trong phòng, chống thiên tai”, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh tiêu chí phân bổ ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các tỉnh có tỷ lệ diện tích che phủ rừng cao; có chính sách sắp xếp ổn định dân cư vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, có nguy cơ lũ lụt, sạt lở cao để đảm bảo an toàn cho người dân.
NGỌC THÀNH (VOV.VN)