THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

Tình hình kinh tế - xã hội đang ngày càng tốt hơn

Thứ Sáu, 02/10/2020, 20:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 2/10, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 để đánh giá tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2020 trong bối cảnh nhiều dấu hiệu tăng trưởng khả quan và dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tinh thần không chủ quan với dịch bệnh; đồng thời đánh giá việc kiểm soát tốt dịch bệnh 30 ngày qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng là cố gắng rất lớn của ngành y tế, quân đội, công an và các địa phương. Thủ tướng cũng đánh giá cao thành tích thi đua của các ngành, các cấp chào mừng Đại hội Đảng bộ; biểu dương ngành giáo dục đã tổ chức tốt 2 kỳ thi tốt nghiệp PTTH và nhất là việc thí sinh Việt Nam đạt giải cao trong các kỳ thi quốc tế gần đây.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Phiên họp lần này với quãng đường 2/3 năm 2020, Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình trung ương và Kỳ họp Quốc hội sẽ khai mạc trong tháng 10 này, Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế xã hội đang ngày càng tốt hơn, nhất là tháng 9 và quý III có sự tăng trưởng tốt. Đặc biệt các ngành quan trọng nông nghiệp, công thương, các lĩnh vực kinh tế tổng hợp, tài chính, ngân hàng, an sinh xã hội có xu hướng phục hồi mạnh mẽ, rõ nét, tạo tiền đề cho quý IV và năm 2020.

Thủ tướng cho biết, quý III tăng trưởng 2,62%, là cơ sở để khẳng định năm 2020, Việt Nam tăng trưởng dương với mức từ 2%. Đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực suy giảm kinh tế.

Thủ tướng cũng cho biết, xuất siêu trên 17 tỷ đôla là con số kỷ lục trong bối cảnh nhập khẩu bị hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài mặc dù trong khó khăn nhưng với nhiều hình thức phù hợp đã đạt trên 21 tỷ đô la.

Việt Nam phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh quốc tế đang suy thoái kinh tế nặng nề. Các chỉ tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, nhất là CPI tiếp tục giảm, chỉ còn 3,85%. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại rất mạnh mẽ. Xuất khẩu tăng 10%, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Đặc biệt ấn tượng là DN của Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu trên 20%; trong đó ngành nông nghiệp phấn đấu vượt mức xuất khẩu trên 41 tỷ đô la Mỹ với nhiều nhà máy chế biến, nhiều mặt hàng nông sản và đặc biệt là khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời Hiệp định EVFTA.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60% kế hoạch là mức cao nhất từ trước đến nay. 3 khu vực nhà nước, tư nhân và FDI trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trong khó khăn.

Thủ tướng khẳng định vai trò bệ đỡ nền kinh tế của nông nghiệp trong khó khăn. Nguồn lương thực, thực phẩm của Việt Nam dồi dào, năng suất lúa tăng 0,9 tạ/ha bình quân cả nước. Nông dân Việt Nam từ Nam chí Bắc được mùa, được giá sản lượng nhiều loại nông sản tăng mạnh. Nhiều mặt hàng tăng rất cao như vải tăng 15%, điều tăng 18%... Từ năm 2017 đến nay, đã có 60 nhà máy chế biến vào sản xuất. Năm 2020 này đã có 12 cơ sở nhà máy chế biến nông nghiệp đưa vào sản xuất chế biến lớn.

Sản xuất công nghiệp 9 tháng khởi sắc, tăng 3,8% mở ra hy vọng phục hồi tăng trưởng mạnh trở lại vào quý IV tới đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng tăng 4,9% so với cùng kỳ, thị trường dần ổn định, xu hướng kinh doanh tốt; có 81% DN đánh giá tình hình sẽ tốt hơn trong quý IV theo điều tra mới nhất.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội, giảm nghèo. Đặc biệt, số hộ thiếu đói giảm 75,5% so với cùng kỳ. Lao động việc làm quý III phục hồi tăng 1,5 triệu người là mức tăng kỷ lục. Mặc dù chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh nhưng tình hình trật tự xã hội nhìn chung ổn định, các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

QUANG VŨ

;
.