Thời gian qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã làm tốt công tác tham mưu Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức, chính sách cán bộ, tổ chức Đảng, đảng viên và bảo vệ chính trị nội bộ của Tỉnh ủy. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tổ chức xây dựng Đảng (14/10/1930 - 14/10/2020), ông Lưu Tài Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu về vai trò, nhiệm vụ của ngành.
* Phóng viên: Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đạt được trong công tác tham mưu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn thời gian qua?
- Ông Lưu Tài Đoàn: Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Ban đã đề ra 34 nhiệm vụ trọng tâm tập trung tham mưu Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó có nhiệm vụ tham mưu công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; tham mưu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp của tỉnh; đồng thời làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ” gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy còn phối hợp Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt cấp tỉnh để ký cam kết thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Ban Tổ chức cũng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều chỉnh phân bổ biên chế theo chỉ tiêu biên chế Trung ương giao; phê duyệt Đề án vị trí việc làm của 24/24 cơ quan Đảng, đoàn thể tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm 141 đầu mối từ tỉnh đến cơ sở; tinh giản 11,14% biên chế (giảm 2.489/22.345 biên chế); thí điểm 25 mô hình sáp nhập, hợp nhất.
Ông Lưu Tài Đoàn (bìa phải), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Lê Ngọc Khánh (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định và tặng hoa chúc mừng ông Hoàng Vũ Thảnh được giao Quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu nhiệm kỳ 2016-2021. |
* Một nhiệm vụ quan trọng khác của Ban Tổ chức là tham mưu Tỉnh ủy trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ đảng viên. Công tác này như thế nào, thưa ông?
- Ban đã tham mưu Tỉnh ủy xây dựng Quy định tiêu chí xác định tổ chức Đảng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (DNNKVNN) trực thuộc Tỉnh ủy, cấp huyện, cấp xã và tương đương. Đồng thời, Ban đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quyết định và tổ chức hội nghị chuyển giao 23 tổ chức Đảng, 502 đảng viên về trực thuộc đầu mối cấp ủy đảng trực tiếp quản lý bảo đảm tinh gọn tổ chức, phát huy tốt năng lực hoạt động của tổ chức Đảng tại cơ sở. Ban cũng hoàn thành việc rà soát, thống kê tình hình tổ chức Đảng thôn, ấp, khu phố, trưởng thôn ấp, khu phố chưa là đảng viên, đồng thời chỉ đạo tạo nguồn, đẩy mạnh kết nạp đảng viên ở địa bàn thôn, ấp, khu phố, khu dân cư. Đồng thời, đã tham mưu BCĐ của tỉnh (BCĐ 364) thành lập các đoàn công tác đến tiếp cận, vận động 26 DNNKVNN xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể và kết nạp đảng viên. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 431 đảng viên và thành lập 39 tổ chức Đảng trong DNNKVNN.
* Phong trào “Đảng viên tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tạo được hiệu ứng tích cực trong việc tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân. Ông có thể nói rõ hơn về phong trào này?
- Phong trào do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Tỉnh ủy phát động từ năm 2018. Việc thực hiện phong trào xuất phát từ mục tiêu phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, từ đó lan tỏa tinh thần tích cực, vận động, khích lệ cán bộ, nhân dân làm theo; nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với việc tham gia xây dựng địa phương.
Phong trào đã được các cấp ủy Đảng, đảng viên hưởng ứng và tích cực tham gia. Trên 90% tổ chức Đảng xây dựng kế hoạch và chọn nội dung cho đảng viên đăng ký tham gia, 90% đảng viên toàn tỉnh đăng ký tham gia phong trào. Nhiều mô hình mới, việc làm tốt đã xuất hiện, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh như: Xây dựng tủ sách chi bộ thôn, ấp, khu phố; Lắp đặt camera an ninh; Vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không chôn lấp, đốt rác thải tại gia đình, trồng hoa và cây xanh các tuyến đường, dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, bãi biển; Nuôi heo đất để hỗ trợ hộ nghèo; Lắp đèn chiếu sáng tại thôn ấp, khu phố; Xây dựng công trình nhà chờ xe cho học sinh trước cổng trường học... Có thể nói, hiệu quả từ phong trào đã góp phần củng cố mối quan hệ gắn kết giữa Đảng với nhân dân, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
* Từ những kết quả nêu trên, ông có thể chia sẻ những giải pháp và kinh nghiệm được Ban Tổ chức Tỉnh ủy áp dụng và rút ra trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ?
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch công tác, đề ra các biện pháp cụ thể để thực hiện. Lãnh đạo Ban Tổ chức họp giao ban định kỳ với lãnh đạo các phòng chuyên môn để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng phòng, đồng thời chỉ đạo, định hướng thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới kịp thời, đạt hiệu quả. Hàng quý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy giao ban với ban tổ chức các huyện, thị, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy để trao đổi, định hướng, thống nhất nhiệm vụ cho toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh.
Đồng thời, Ban cũng quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ quan; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, phê bình những cán bộ, công chức lơ là, có biểu hiện sao nhãng công việc, hoàn thành chưa tốt nhiệm vụ được giao. Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để khích lệ, động viên, tạo động lực phấn đấu.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phát động phong trào thi đua trong ngành tổ chức xây dựng Đảng của tỉnh nhằm lãnh đạo triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành trong năm. Sau khi triển khai, từng tổ chức, đơn vị trực thuộc và cá nhân cán bộ, công chức, đảng viên toàn ngành nhận thức sâu sắc về mục tiêu, ý nghĩa việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua; tự nguyện đăng ký các nội dung thi đua trong năm. Từ đó, phong trào thi đua của ngành và hoạt động thi đua của cơ quan đã có những chuyển biến rõ hơn, từng bước đi vào chiều sâu, bảo đảm nề nếp và có tác dụng tích cực.
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN ĐỨC (Thực hiện)