Ngày 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ông Dương Minh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...
Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, dự thảo luật đã bổ sung các trường hợp tạm giữ người, trong đó trường hợp “tạm giữ người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình” là cần thiết để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Luật phòng chống bạo lực gia đình. Trường hợp “tạm giữ người để bảo đảm thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc” là phù hợp để bảo đảm thi hành quyết định áp dụng các biện pháp này.
Đối với trường hợp “tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy”, đại biểu Hoàng Thanh Tùng khẳng định quy định này nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn công tác phòng chống ma túy thời gian qua, bảo đảm tính khả thi của quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy theo hướng dẫn của liên ngành y tế, lao động, thương binh và xã hội, công an đang được áp dụng.
Đóng góp ý kiến tại kỳ họp, đại biểu Dương Minh Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, dự thảo sửa đổi luật nêu trên đủ điều kiện để thông qua. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bổ sung thêm một số vấn đề như biên bản vi phạm phải được lập tại nơi vi phạm. Trường hợp vì lý do không thể lập tại nơi vi phạm thì mới lập tại nơi cơ quan có thẩm quyền hoặc nơi thứ 3 và cần nêu rõ lý do vì sao không lập biên bản tại nơi vi phạm. Ngoài ra, đối với việc thông báo về tang vật vi phạm, cần tăng số lượng thông báo và bảo đảm chủ tang vật nhận được việc thông báo.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng đề nghị thay thế việc ghi rõ thời gian 30 ngày, thay vì 1 tháng như trong dự thảo luật. Đối với nhưng trường hợp xây dựng trái phép, ông Tuấn nhấn mạnh cần tiến hành cắt điện, nước để hạn chế tình trạng xây dựng trái phép.
Tin, ảnh: PHÚC HIẾU