Bảo vệ quyền lợi cho lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 23/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Đại biểu Dương Tấn Quân đóng góp ý kiến tại Kỳ họp. |
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với nội dung Dự án Luật và sự cần thiết ban hành Luật. Các đại biểu đồng tình về việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin nhưng phải bảo đảm bí mật người nhiễm HIV/AIDS...
Đóng góp ý kiến tại Kỳ họp, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT cho rằng những nội dung sửa đổi, bổ sung luật do Ban soạn thảo xây dựng cần đẩy mạnh bảo vệ quyền an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV, đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai; bổ sung một số đối tượng có nguy cơ cao được ưu tiên áp dụng các biện pháp tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của nhiều người nhiễm HIV trong điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số vấn đề cụ thể của dự thảo Luật như về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; việc mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV (Điều 30); kinh phí xét nghiệm HIV tự nguyện để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con (Điều 35); độ tuổi tối thiểu của người tự nguyện xét nghiệm HIV (Điều 27); Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV (Điều 44).
* Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Đa số ý kiến của các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc bảo đảm quyền lợi cho lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Cúc, Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đồng tình với phương án 1 của Dự thảo với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm (do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thành lập theo quy định của Luật việc làm) đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của chính phủ. Chính phủ quy định nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm và quy định rõ điều kiện không thu tiền của người lao động, nhằm thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế bảo đảm hiệu quả, không phát sinh bộ máy và biên chế. Đại biểu Cúc cho rằng tại điểm D, khoản 1, Điều 10, Ban soạn thảo cơ quan thẩm tra cần quy định rõ hơn việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ cho DN được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, bởi hiện mới quy định chỉ cần DN “có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” còn quá chung chung, nhiều khe hở cho phát sinh tiêu cực.
Tin, ảnh: MINH QUANG