Chiều 24/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra một số dự án luật như: Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự Kỳ họp tại điểm cầu BR-VT. |
Sau khi nghe báo cáo, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo khung pháp lý về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để triển khai lực lượng tham gia theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ huy, điều hành, thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hợp lý chế độ chính sách; chuẩn hóa quy trình, thủ tục pháp lý trong việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện, triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng và xử lý những vấn đề phát sinh tại địa bàn
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận vào các nội dung như: trách nhiệm lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; Quy chế phối hợp giữa các bộ ngành; nguyên tắc hoạt động của lực lượng tham gia; cứu trợ nhân đạo của tổ chức Liên hợp quốc; Quy chế khen thưởng, kỷ luật đối với lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc; Chế độ cho cho lực lượng tham gia...
Trong đó, một số đại biểu yêu cầu cần bổ sung, điều chỉnh từ ngữ cho phù hợp với hoạt động gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; xử lý vi phạm, khiếu nại theo hướng nguyên tắc ngoại giao phù hợp với pháp luật Việt Nam; rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết cho thống nhất với các quy định có liên quan của Hiến pháp, quy định của một số luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Đồng thời, phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, sự thống nhất của Nghị quyết với hệ thống pháp luật Việt Nam; tính khả thi của Nghị quyết, phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
* Trước đó, vào buổi sáng 24/10, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi),
TRÚC GIANG