Sáng 17/9, tiếp tục Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét các báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Theo báo cáo, tổng số văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát là rất lớn, gồm 8.779 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến hết ngày 30/6 vừa qua, còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan từ cấp bộ trở lên, qua đó đã phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Nội dung các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được các cơ quan chức năng rà soát tập trung vào 10 lĩnh vực có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh như quy định về điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của DN; quy định về phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; quy định về tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước; quy định về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; quy định pháp luật về lao động, việc làm và an sinh xã hội…
Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận, công tác triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh được Chính phủ chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh đó, một số hạn chế vẫn chậm được khắc phục, nhất là việc đề nghị điều chỉnh chương trình để bổ sung dự án vẫn diễn ra phổ biến, gây khó khăn, bị động cho các cơ quan của Quốc hội; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết vẫn kéo dài trong nhiều năm. Do đó, Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, có giải pháp hiệu quả hơn để khắc phục tình trạng này.
Để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện nội dung báo cáo trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thông tin báo cáo được cập nhật, chính xác, toàn diện, khách quan, chỉ đưa vào báo cáo những nội dung được xác định là thực sự có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp thực tiễn và đã có sự thống nhất cao giữa các cơ quan.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo của Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước về kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật.
XUÂN TÙNG