Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều, trong đó bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.
Đa số ý kiến nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị phân định rõ ràng hơn nữa về phạm vi, nội dung điều chỉnh giữa dự thảo Luật này với dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nhất là các quy định về hệ thống báo hiệu giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tổ chức an toàn giao thông đường bộ.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc một số nội dung làm thay đổi trách nhiệm đang thực hiện như quy định thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chuyển từ Bộ GT-VT sang Bộ Công an; lược bỏ thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ của Thanh tra giao thông.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc những năm gần đây, tai nạn giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số các vụ tai nạn trên toàn quốc nên việc tìm giải pháp tháo gỡ những bất cập là cấp bách và cần thiết. Luật Giao thông đường bộ từ năm 2008 đã được triển khai quyết liệt nhưng số vụ tai nạn chỉ giảm nhẹ, thậm chí không giảm, cần có bổ sung, hoàn thiện về mặt pháp lý.
Về việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, chủ trương xã hội hóa là đúng đắn, phù hợp, nhưng cần bảo đảm chất lượng. Các trung tâm đào tạo lái xe đã và đang đầu tư hệ thống đào tạo hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến rất phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Song, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, hiện nay, vẫn còn tình trạng một xe dùng nhiều biển số là không chấp nhận được, cần xem lại việc quản lý của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn có nhiều xe thô sơ tham gia giao thông nhưng không đảm bảo an toàn cũng cần có những biện pháp cải thiện, có quy định rõ trong dự án luật trình Quốc hội trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, sửa Luật là cần thiết, nhưng quan trọng vẫn là ý thức của người tham gia giao thông cũng như tinh thần làm việc của cán bộ khi xử lý vi phạm giao thông. Bà Lê Thị Nga phân tích, người Việt Nam có thể vi phạm khi tham gia giao thông ở trong nước, nhưng khi sang nước ngoài lại thực hiện rất nghiêm túc là do lỗi một phần của người thực thi công vụ...
Cùng băn khoăn về nhóm luật liên quan đến đường thủy, đường hàng không, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, việc tách thành hai luật phải được xem xét rất kỹ; rà soát lại phạm vi điều chỉnh của từng luật, nội dung quản lý Nhà nước, bộ nào đã có kinh nghiệm thì phải đảm bảo tính ổn định khi sửa luật.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Chính phủ chịu trách nhiệm chính về an toàn giao thông đường bộ. Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe giao cho cơ quan nào cần có tổng kết đánh giá kỹ, nhất là liên quan đến bộ máy, chi phí. Nội dung này Chính phủ cần làm rõ thêm và Quốc hội sẽ quyết định.
ĐỖ BÌNH