Ðoàn kết dân tộc chính là cội nguồn sức mạnh của Việt Nam
Đoàn kết vừa là truyền thống quý báu của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa là cội nguồn sức mạnh, sức chiến đấu và năng lực cầm quyền của Đảng ta trong suốt 90 năm qua.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (11-19/2/1951) là một sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước trưởng thành mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
ĐOÀN KẾT LÀM NÊN SỨC MẠNH
Ngay từ khi thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi trọng việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong nội bộ, lấy đó làm cơ sở để tập hợp quần chúng cùng chung sức, chung lòng thực hiện nhiệm vụ chiến lược là “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”; “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”.
Thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam dù số thành viên không lớn, ở thời điểm lãnh đạo, chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, nhưng luôn là một khối thống nhất vững chắc. Đó là cơ sở giúp Đảng phát huy tối đa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn, hiểm nguy.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cuộc đối đầu được ví như “châu chấu đá voi”, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần.
Sức mạnh “dời non lấp biển” của khối đại đoàn kết toàn dân đã tạo nên một “dòng thác”, một “làn sóng” vĩ đại đánh tan kẻ thù, giành lại hòa bình, thống nhất đất nước.
Đặc biệt, càng trong những lúc khó khăn, những thời điểm bước ngoặt của lịch sử, kể cả những khi thời cuộc có “chao đảo, ngả nghiêng” tác động không thuận đến vận mệnh của Đảng và chế độ, Đảng Cộng sản Việt Nam càng thể hiện bản lĩnh kiên cường, tinh thần đoàn kết, ý chí thống nhất cao độ.
Còn nhớ, bước vào thời bình, cả nước bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện một nền kinh tế bị kiệt quệ sau hơn 30 năm chiến tranh.
Đặc biệt, hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới suy yếu và sụp đổ đã đặt Việt Nam vào hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt. Khủng hoảng kinh tế - xã hội ở mức độ trầm trọng nhất.
Đổi mới là bắt buộc, nhưng đổi mới thế nào, cách thức ra sao? Nếu không có tinh thần đoàn kết, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, chúng ta đã không có chặng đường đổi mới thành công như ngày hôm nay.
TRONG MỌI HOÀN CẢNH, ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LUÔN COI TRỌNG “GIỮ GÌN CON NGƯƠI CỦA MẮT MÌNH”
Có thể khẳng định trong suốt tiến trình xây dựng và phát triển, để bảo đảm vai trò lãnh đạo và xứng đáng là đội tiền phong, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng cách mạng; là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của sự nghiệp cách mạng, là cơ sở để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Đảng Cộng sản là một bộ phận trong hệ thống chính trị nhưng là lực lượng lãnh đạo, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân, cho nên “sự đoàn kết trong Đảng là quan trọng hơn bao giờ hết, nhất là sự đoàn kết chặt chẽ giữa các cán bộ lãnh đạo”.
Trên tinh thần tuyệt đối không thỏa hiệp với những xu hướng bè phái, coi sự chia rẽ là tội ác lớn nhất đối với Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đoàn kết là một truyền thống quý báu và “đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”.
“Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người,” để không có hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” Đảng đã luôn quán triệt đầy đủ các nguyên tắc về xây dựng và củng cố khối đoàn kết thống nhất trong Đảng theo nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới. Đó là: Đoàn kết thống nhất được xây dựng trên cơ sở của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng.
Đoàn kết thống nhất dựa trên cở sở tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Đoàn kết thống nhất trên cơ sở bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ đảng viên: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Đoàn kết thống nhất thông qua việc thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, trên cơ sở có “tình thương yêu đồng chí lẫn nhau”.
Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Lời dạy của Bác về đoàn kết thống nhất trong Đảng tuy ngắn gọn, nhưng làm sáng cả tâm can bao tầng lớp nhân dân Việt Nam; làm toát lên tất cả tầm quan trọng của đoàn kết thống nhất mà mỗi cán bộ, đảng viên phải khắc ghi.
PHƯƠNG DUNG