Đó là chỉ đạo của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trong buổi làm việc với lãnh đạo TP. Bà Rịa. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cuộc sống luôn phát triển, nhu cầu người dân càng ngày càng cao, do đó, chính quyền phải xác định là luôn luôn nỗ lực, phấn đấu với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân làm mục tiêu hướng tới, là tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
NỖ LỰC VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Buổi làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh diễn ra sáng 15/9, trong bối cảnh TP. Bà Rịa nỗ lực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID 19. Cùng dự buổi làm việc có bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Đặng Minh Thông, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bà Rịa; lãnh đạo các sở, ngành.
Theo báo cáo của lãnh đạo TP. Bà Rịa, trong 8 tháng đầu năm, tổng doanh thu thương mại, dịch vụ đạt 16.693 tỷ đồng, đạt 76,8% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 3.713 tỷ đồng, đạt 75,7% kế hoạch năm. Cụm công nghiệp Hòa Long, Long Phước đã đầu tư xây dựng xong; cụm công nghiệp Hồng Lam đang mời gọi nhà đầu tư thứ cấp; cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long Hương 2 đang thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 521,3 tỷ đồng đạt 82,3% kế hoạch năm, bằng 83% so với cùng kỳ; tổng chi ngân sách địa phương 605,1 tỷ đồng, đạt 60,9% kế hoạch năm.
Dựa trên quy hoạch chung, TP. Bà Rịa đã triển khai lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 giai đoạn đến 2040, tầm nhìn đến 2050; lập các đồ án chi tiết tỷ lệ 1/500, đến nay đã triển khai lập mới 9 đồ án quy hoạch phân khu, chiếm 69,6% diện tích toàn thành phố.
Một số khó khăn cũng được lãnh đạo TP. Bà Rịa nêu tại buổi làm việc, như công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai một số dự án; hạ tầng cụm công nghiệp phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và hạ tầng khu quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm Long Phước chưa được bàn giao đưa vào hoạt động…
TP. Bà Rịa đang xây dựng đề án thay đổi mô hình quản lý chợ để nâng cao hiệu quả ngành thương mại, dịch vụ tại địa phương. Trong ảnh Khách hàng mua sắm tại chợ Bà Rịa. |
CẦN CÓ SỰ CHUYỂN ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Tại buổi làm việc, ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện nay, đơn vị đang gấp rút hướng dẫn và cùng với TP. Bà Rịa thực hiện các giải pháp đẩy nhanh việc đưa các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như Hòa Long, Long Phước vào hoạt động để phát triển kinh tế địa phương và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Riêng về thương mại - dịch vụ, trên địa bàn có khoảng 1.200 DN nhưng chủ yếu là nhỏ lẻ, hệ thống chợ ở đây vẫn chưa tương xứng với đô thị loại II, khi chỉ mới có 1 chợ hạng 1, 8 chợ hạng 3 và 2 chợ tạm. Hiện nay, TP. Bà Rịa đang xây dựng mô hình quản lý chợ mới với tăng cường xã hội hóa. Ông Thôi nhấn mạnh, Sở Công thương đang hoàn thiện thủ tục để trình UBND tỉnh phương án của TP. Bà Rịa. Cùng với đó, thành phố cũng cần có biện pháp để khai thác được vị trí đắc địa của Trung tâm thương mại Bà Rịa, đầu tư, nâng cấp để nơi đây trở thành điểm dừng chân của du khách khi đến BR-VT.
ÔNG PHẠM VIẾT THANH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY
Cần có những thay đổi về phương pháp làm việc
Thành phố cần có những thay đổi về phương pháp làm việc; trong đó có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban, ngành của tỉnh để giải quyết kịp thời các vấn đề tồn đọng, vướng mắc lâu nay. Đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến người dân và DN, những dự án, công trình đưa vào phục vụ đời sống nhân dân. Về nguyên tắc là không ép tiến độ, không chạy theo thành tích mà làm sao để có hiệu quả thực chất. Quan điểm là lấy sự hài lòng của người dân để minh chứng cho sự hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Nếu xác định được như vậy, sẽ giải quyết được những khó khăn để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đặc biệt, TP. Bà Rịa là trung tâm hành chính, chính trị, là bộ mặt của tỉnh, do đó, lãnh đạo thành phố cần phối hợp với các sở, ban, ngành “giải phóng” được nguồn vốn đầu tư để đáp ứng được yêu cầu phát triển.
|
Còn ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết, hiện nay, du lịch chưa phải là thế mạnh của TP. Bà Rịa. Tuy nhiên, thành phố có tiềm năng và hiện nay đang có những dự án có thể trở thành điểm nhấn. Ông Trịnh Hàng lấy ví dụ về Dự án Tổ hợp Du lịch núi Dinh. Hiện Sở đã thiết lập quy hoạch 1/500 và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt để tiến hành các thủ tục chọn nhà đầu tư sớm nhất. Đây được kỳ vọng là dự án có thể thay đổi bộ mặt của ngành du lịch TP. Bà Rịa. Thành phố còn có lợi thế của các con sông, có thể tận dụng để tạo thành các tuyến phố đi bộ ven bờ để phục vụ du khách và cư dân địa phương.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH cho rằng, để phát triển, nâng cao đời sống người dân, TP.Bà Rịa cần có sự vào cuộc nhiều hơn nữa của lãnh đạo địa phương. Cần phối kết hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tốt hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại lâu nay, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
NHÓM PV THỜI SỰ