Nguyễn Thị Minh Khai sinh ra trên mảnh đất Nghệ An, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử. Mảnh đất ấy đã hun đúc nên tính cách và tâm hồn chị: người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất; người con trung hiếu vẹn toàn.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (hàng đầu, thứ hai từ phải qua) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, tháng 7/1935. Ảnh tư liệu |
TRỌN ĐỜI VÌ NƯỚC, VÌ DÂN
Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, tại Vinh, Nghệ An. Năm 16 tuổi, chị đã dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1930, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử sang làm việc tại Văn phòng Đông phương bộ của Quốc tế Cộng sản ở Hương Cảng, Trung Quốc. Tại đây, chị được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục lý luận chính trị, kinh nghiệm hoạt động cách mạng. Nhờ vậy, Nguyễn Thị Minh Khai tiến bộ, trưởng thành nhanh chóng.
Từ năm 1931-1933, chị bị mật thám Anh bắt giam ở Hương Cảng, sau đó chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Trước mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, tra tấn, đánh đập của kẻ thù, chị vẫn một mực “không biết”. Ra tù, chị tìm cách liên lạc với Đảng và được phân công công tác tại Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng tại Thượng Hải, Trung Quốc. Cùng với các đồng chí lãnh đạo của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng, Nguyễn Thị Minh Khai đã có nhiều đóng góp trong chỉ đạo khôi phục lại phong trào đấu tranh cách mạng trong nước thời kỳ 1932 - 1935. Năm 1935, chị vinh dự được thay mặt Đảng cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ VI tại Moscow. Trên diễn đàn Đại hội, chị đọc tham luận, qua đó giúp các đồng chí trong Quốc tế Cộng sản, bè bạn năm châu hiểu được tình cảnh ở các nước thuộc địa; bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; nhìn nhận rõ hơn vai trò to lớn của phụ nữ, thanh niên trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa...
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, Nguyễn Thị Minh Khai được giao nhiệm vụ ở Thượng Hải và sau đó được phân công về Sài Gòn công tác. Về nước, chị được tín nhiệm bầu vào Xứ ủy Nam Kỳ và trở thành nữ Bí thư đầu tiên của Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn khi mới 29 tuổi. Trên cương vị mới, hoạt động trong điều kiện bí mật, khó khăn, chị đã cùng các đồng chí lãnh đạo luôn bám sát cơ sở, chỉ đạo phong trào phát triển mạnh mẽ.
Ngày 30/7/1940, sau phiên họp Xứ ủy bàn chủ trương khởi nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai bị quân Pháp bắt. Chúng đưa chị về Khám Lớn Sài Gòn giam cầm, tra tấn dã man, nhưng chị vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, tìm mọi cách liên lạc ra bên ngoài, tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Trước tòa án thực dân, chị đanh thép tuyên bố: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?”. Ngày 28/8/1941, chị bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn. Trước pháp trường, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn hướng về đồng bào, đồng chí: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng” và chị ngã xuống khi tuổi đời mới 31.
TRỌN NGHĨA VỢ CHỒNG, LO TRÒN CHỮ HIẾU
Nguyễn Thị Minh Khai không chỉ bắt gặp tình yêu cách mạng, mà còn tìm được tình yêu lứa đôi đích thực của đời mình. Những năm tháng học tập tại Trường Đại học Phương Đông, chị đã yêu rồi kết hôn với đồng chí Lê Hồng Phong - sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 6/1939, chị biết tin chồng bị bắt, mặc dù rất thương chồng nhưng phải giữ bí mật tuyệt đối nên chị không thể vào thăm, mà chỉ có thể nhờ người đem quà vào. Lúc này, chị lại đang mang thai. Mùa Xuân 1939, chị sinh con gái và đặt tên là Lê Nguyễn Hồng Minh - tên ghép của Minh Khai và Hồng Phong. Khi biết Nguyễn Thị Minh Khai là vợ của Lê Hồng Phong, thực dân Pháp đã đưa hai vợ chồng về giam chung. Nhiều lần chúng đưa anh vào cho chị nhận mặt, nhưng chị vẫn một mực không nhận, không khai: “Tôi không biết người này”.
Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để làm ba việc: Bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy”; Gửi lời cảm ơn đến những người nuôi nấng Hồng Minh và tước vải quần áo tù, đan một chiếc vỏ gối gửi về tặng mẹ - là một chút lòng hiếu thảo, là lời xin lỗi vì đã không làm tròn bổn phận chăm sóc mẹ lúc mẹ già yếu và căn dặn các em “Gắng chí học tập nên người xứng đáng cho cha mẹ vui lòng”.
Cuộc đời và sự nghiệp tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một tấm gương sáng ngời về khí tiết cách mạng, trọn đời hy sinh cho Đảng, cho cách mạng.
NGUYỄN QUANG PHI