.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG CÁC CẤP, TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ VII, ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

Kinh tế phát triển, đời sống người dân khởi sắc

Cập nhật: 21:00, 22/09/2020 (GMT+7)

5 năm qua, kinh tế phát triển tạo điều kiện thuận lợi để BR-VT triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Hàng chục nhiệm vụ, đề án, chương trình cụ thể được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của dân dân không ngừng được cải thiện.

Chương trình xây dựng NTM đã thu hút được sự tham gia của các đoàn thể, sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Con đường hoa được thực hiện tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH
Chương trình xây dựng NTM đã thu hút được sự tham gia của các đoàn thể, sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân. Trong ảnh: Con đường hoa được thực hiện tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức. Ảnh: QUANG VINH

NÔNG THÔN KHANG TRANG

Con đường liên thôn ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ dài gần 1km, rộng 8m khá khang trang, xanh, sạch, đẹp, ô tô, xe công nông có thể vào tận nhà người dân. Thế nhưng có lẽ ít ai nghĩ rằng nơi đây trước kia chỉ là một lối mòn chừng 200m, nhiều nhà dân phía trong không có đường đi. Người tiên phong hiến hơn 1.300m2 đất để làm đường là ông Võ Hữu Nghĩa, ở ấp Tân Hòa) kể: “Trên diện tích đất lúc đó có hơn 100 gốc tiêu đã cho thu hoạch, với 1.300m2 đất, tính sơ sơ cũng hơn 200 triệu đồng. Cho nên khi nói hiến đất làm đường, cả nhà ai cũng phản đối. Nhưng vì lợi ích chung, mở đường còn có lợi cho gia đình dễ dàng vận chuyển vật tư, phân bón, nông sản… nên dần dần mọi người cũng hiểu, đồng thuận”.

Từ khi xã về đích nông thôn mới năm 2014 đến nay, tự mỗi người dân xã Long Tân đều chủ động tham gia tuyên truyền, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 53 triệu đồng/người/năm; 3/3 ấp đạt chuẩn văn hóa; không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia. Với những kết quả đã đạt được, xã Long Tân đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2020.

Cách đây 5 năm, nếu nói chuyện “đi huyện”, có lẽ nơi mà chúng tôi ngại đến nhất là xã Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc). Ngại đi là bởi nơi này quá cách xa với trung tâm huyện, đường đi gồ ghề, trời mưa lầy lội, xe máy thường phải đẩy bộ. Thế nhưng, thật bất ngờ khi trở lại đây vào một ngày đầu tháng 9/2020, Xuyên Mộc đã khang trang bởi đường giao thông được mở rộng, nâng cấp, rải nhựa đến tận thôn ấp. Xuyên Mộc cũng là một trong những địa phương có những hướng đi mới với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

Ông Trần Giao Thiệp, ấp Nhân Đức - một trong những nông dân đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng tại xã Xuyên Mộc cho biết, nhận thấy việc trồng lúa cho năng suất thấp lại tốn nhiều công chăm sóc, ông đã cải tạo 2,5ha đất của gia đình để đào ao nuôi cá và trồng các loại cây ăn trái như: nhãn, thanh long, mận, mít, dừa. Vận dụng cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, ông Thiệp luôn chủ động được nguồn vốn, mỗi năm ông thu về hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí.

5 năm qua, nhiều thành tựu nổi bật trên lĩnh vực NN-PTNT đã góp phần làm cho đời sống của nông dân cải thiện rõ nét. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH mà tỉnh BR-VT tập trung triển khai trong thời gian qua để thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Ngành đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với tình hình, điều kiện và nhu cầu thực tế của tỉnh với tổng diện tích thực hiện mô hình là 167ha/250 hộ nông dân. Giá trị sản phẩm thu được trên 1ha đất trồng trọt năm 2020 đạt trên 109,94 triệu đồng/ha, tăng 13,86 triệu đồng so năm 2015.

Ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền) cho biết, với 724 thành viên, sản xuất hơn 200ha lúa, HTX Nông nghiệp Dịch vụ An Nhứt luôn đi đầu trong việc áp dụng mô hình mới trong canh tác lúa và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như mở ra 13 loại hình dịch vụ phục vụ nông nghiệp, dân sinh, quản lý chợ… với doanh thu hơn 30 tỷ đồng mỗi năm. “Để có được kết quả này, ngoài sự năng động của các thành viên còn có sự hỗ trợ rất hiệu quả của các chính sách từ Trung ương đến tỉnh mà các HTX được hưởng lợi như vốn, tiêu thụ nông sản, cơ sở hạ tầng…”, ông Huỳnh Trung Thành nói.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) bình quân 6,1%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) trừ dầu thô và khí đốt đến năm 2020 ước đạt 6.903 USD/người, tăng 1,3 lần so với năm 2015. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; cơ cấu kinh tế năm 2020: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,66%, tăng 3,73% so với 2015; dịch vụ chiếm 29,36%, giảm 2,88% so với 2015 và nông nghiệp chiếm 11,98%, giảm 0,85% so với 2015.

TẬP TRUNG CÁC NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Nằm cách TP. Hồ Chí Minh chỉ 100km, hệ thống các quốc lộ, cao tốc, các đường liên huyện trong tỉnh của BR-VT đã hoàn thiện từ hàng chục năm qua. Cùng với hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu giao thương, kết nối thị trường, dựa trên những ưu đãi của thiên nhiên và xuất phát từ một tầm nhìn chiến lược, BR-VT đang từng bước chuyển dịch mô hình tăng trưởng, từ chỗ nặng về khai thác tài nguyên sang phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài dầu khí, đây còn là một trong những trung tâm năng lượng, công nghiệp nặng, du lịch, cảng biển của cả nước với Trung tâm điện lực Phú  Mỹ và Nhà máy điện Bà Rịa chiếm 40% tổng công suất điện năng của cả nước.

BR-VT đã và đang nỗ lực khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, cũng như huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế địa phương, tiến tới hoàn thành mục tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với mục tiêu nhất quán phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có chọn lọc, trở thành tỉnh kiểu mẫu về phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, 3 trụ cột kinh tế còn lại của tỉnh là cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, đều có những bước phát triển nổi bật. Để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của địa phương, 5 năm qua, tỉnh đã mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn hàng đầu trong nước và quốc tế quy hoạch phát triển kinh tế tỉnh gắn với quy hoạch vùng, cả nước. Các quy hoạch đã cơ bản hoàn thành, định hình bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh theo đúng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 của Chính phủ.

Đặc biệt, công trình được coi là “cú hích” lớn cho phát triển kinh tế của BR-VT là dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi công từ tháng 2/2018, đến nay dự án đang được triển khai khá thuận lợi. Dự án do Tập đoàn SCG - Thái Lan làm chủ đầu tư với tổng vốn 5,4 tỷ USD, có thể sản xuất 1,6 triệu tấn sản phẩm xăng, dầu và 2 triệu tấn nguyên liệu cho ngành nhựa như polyetylen, polypropylen và các sản phẩm khác; đồng thời đóng góp cho ngân sách Nhà nước 60 triệu USD/năm.

Ông Nguyễn Công Vinh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, BR-VT hiện chiếm gần 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của cả nước và đang đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh thành về thu hút vốn FDI. Suất đầu tư FDI tại BR-VT có quy mô khá cao, trung bình đạt 86,7 triệu USD/dự án. Điều này thể hiện thế mạnh của tỉnh BR-VT để phát triển các dự án công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics, cảng biển... Các KCN trên địa bàn tỉnh hầu hết nằm gần hệ thống cảng biển nước sâu, rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Để đạt kết quả trên, BR-VT tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa, ít thâm dụng lao động và không xâm hại môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, địa phương luôn nỗ lực tạo dựng môi trường thu hút đầu tư tích cực, lành mạnh, trách nhiệm; hợp tác, đồng hành và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho DN; tăng cường cải cách hoạt động quản lý Nhà nước để hỗ trợ DN. Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh việc triển khai chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng CNTT, lấy người dân, DN làm trung tâm.

NGÔ GIA

 
.
.
.