Bứt phá để "về đích"

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:18 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 4/9, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp thường kỳ tháng 8. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm nhằm hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp trực tuyến thường kỳ tháng 8/2020 với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp trực tuyến thường kỳ tháng 8/2020 với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.

TĂNG TRƯỞNG TRONG KHÓ KHĂN

Ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, sau hơn 3 tháng các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới; vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh vừa tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7 và trong tháng 8, dịch COVID - 19 bùng phát trở lại ở một số địa phương đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động kinh tế của cả nước cũng như của tỉnh. Mặc dù vậy, bên cạnh việc ưu tiên phòng chống dịch, tỉnh vẫn duy trì các biện pháp phát triển kinh tế nhưng một số chỉ tiêu vẫn tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, thương mại và vận tải. Cụ thể, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 8 đạt 1.447 tỷ đồng, giảm 0,94% so với kế hoạch; lũy kế 8 tháng đạt 11.175 tỷ đồng, giảm 6,33%. Doanh thu dịch vụ lưu trú tháng 8 ước đạt 250 tỷ đồng, giảm 49,9%; lũy kế 8 tháng ước đạt 2.272 tỷ đồng, giảm 42,05% so với cùng kỳ. Trong đó, TP. Vũng Tàu và huyện Côn Đảo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng là một trong các chỉ tiêu duy trì sự tăng trưởng, trong đó nguồn doanh thu phần lớn đến từ bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa 8 tháng là một trong các chỉ tiêu duy trì sự tăng trưởng, trong đó nguồn doanh thu phần lớn đến từ bán lẻ tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.

Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo cho biết, 8 tháng đầu năm đã có 4 DN du lịch trên địa bàn huyện phải giải thể do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu du lịch giảm 21,49% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch giảm dẫn đến tổng doanh thu thương mại dịch vụ trên địa bàn huyện cũng giảm 7,83% so với cùng kỳ. 

Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, nhiều DN bị thiếu hụt nguyên vật liệu trầm trọng hoặc không có đơn hàng mới. Do đó, nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các địa phương, đặc biệt là TX. Phú Mỹ. Cụ thể, tại TX. Phú Mỹ, 8 tháng đầu năm, doanh thu thương mại dịch vụ của thị xã đạt 27.134 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019. 

Cũng theo báo cáo của Sở KH-ĐT, trong 8 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước khoảng 5.279 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng ước khoảng 52.435 tỷ đồng, đạt 69% dự toán, giảm 12,2% so cùng kỳ. Trong đó các nguồn thu từ dầu khí, thuế xuất - nhập khẩu, đều giảm từ 17,4-26%.  Ông Nguyễn Văn Đặng thông tin thêm, từ đầu năm đến nay, về tình hình giải ngân vốn tuy vẫn còn chậm. Cụ thể, tính đến hết tháng 8, giá trị giải ngân vốn tỉnh quản lý là hơn 2.449 tỷ đồng, đạt 31,37% tổng kế hoạch vốn 2020, tăng thêm 8,81% so với tháng 7/2020, trong đó vốn ngân sách tỉnh hơn 2.348 tỷ đồng, đạt 31,38% kế hoạch; nguồn vốn Trung ương đầu tư theo các chương trình giải ngân 55,983 tỷ đồng, đạt 28,47%... 

TĂNG TỐC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng tỉnh BR-VT xác định sẽ tăng tốc, bứt phá những tháng cuối năm để hoàn thành kế hoạch, mục tiêu đề ra trong năm 2020. Ông Trương Văn Thôi, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, những tháng cuối năm, Sở đã kiến nghị với Bộ Công thương kích cầu tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm đạt chuẩn như sản phẩm nông thôn tiêu biểu; các sản phẩm đạt chuẩn Vietgap; hỗ trợ kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại để thúc đẩy thị trường hàng hóa lưu thông. 

Trong khi đó, ngành du lịch cũng đã đề xuất 3 kịch bản tăng trưởng du lịch trong tình hình mới của dịch bệnh COVID-19. Kịch bản thứ 1 là nếu dịch bệnh được kiểm soát ngay thì ngành du lịch sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông, kích cầu du lịch, trong đó nhắm đến khách nội địa để đạt chỉ tiêu dự kiến khoảng 13 triệu lượt khách (đạt khoảng 73,5% kế hoạch năm). Kịch bản thứ 2 nếu dịch bệnh được kiểm soát trong tháng 9 thì 3 tháng cuối năm ngành du lịch sẽ kích cầu để đạt được khoảng 60-65% kế hoạch. Kịch bản cuối cùng là nếu dịch bệnh đến cuối năm mới kiểm soát được thì ngành du lịch sẽ khó phục hồi, các hoạt động kích cầu du lịch sẽ giảm hiệu quả, khi đó các chỉ tiêu kế hoạch sẽ giảm sâu chỉ còn 40-50%. Ngoài ra, ngành Du lịch cũng đưa ra một số giải pháp như: Triển khai ký kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ; tổ chức khảo sát, đánh giá các điểm du lịch của tỉnh; nâng cấp các điểm du lịch… để thu hút khách. 

Kết luận cuộc họp, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, các sở, ngành, địa phương cần có biện pháp tăng tốc để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm; rà soát lại từng dự án công trình, tìm ra các nguyên nhân; hỗ trợ nhà đầu tư, chuyên gia nhập cảnh trong điều kiện cho phép.  Bên cạnh đó, Ban quản lý các KCN cũng cần thống kê lại các DN để nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ. Các lĩnh vực thương mại dịch vụ, Sở Công thương phải xây dựng kế hoạch kích cầu tiêu dùng, hội nghị kết nối cung cầu để người dân và khách du lịch tăng mua bán. Sở Du lịch cần báo cáo Tổng cục Du lịch về tình hình do phép hoạt động lại các lĩnh vực để du khách yên tâm đến BR-VT. “Chúng ta không để vì dịch bệnh mà làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng cũng không chủ quan phòng, chống dịch”, ông Quốc nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU – QUANG VŨ

 
;
.