Sôi động những ngày Tháng Tám ở Bà Rịa-Vũng Tàu
Cùng cả nước, theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, nhân dân BR-VT đã nhất tề đứng lên đấu tranh giành chính quyền. 75 năm đã trôi qua, nhưng khí thế hào hùng của những ngày Cách mạng Tháng Tám như vẫn còn vang vọng.
Sáng 25/8/1945, hàng vạn quần chúng từ khắp các ngả đường kéo về Bà Rịa, giương cao cờ đỏ sao vàng, tập trung mít tinh xung quanh Tháp nước (Nhà Tròn) ở trung tâm Bà Rịa. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN |
GẤP RÚT CHUẨN BỊ TỔNG KHỞI NGHĨA
Sau khi Nhật nổ súng đảo chính và độc chiếm Đông Dương (9/3/1945), ở Bà Rịa, dưới ách cai trị hà khắc của Nhật và tay sai, đời sống nhân dân cơ cực, lầm than. Lòng yêu nước và ý thức dân tộc trỗi dậy, không chịu cúi đầu trước áp bức, cường quyền cùng với khát vọng độc lập, tự do đã xây nên nền móng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành chính quyền ở các địa phương trong tỉnh.
Trong khoảng thời gian 1939-1944, ở tỉnh Bà Rịa không còn cơ sở Đảng. Lợi dụng cơ hội Nhật hất cẳng Pháp, nhiều cán bộ cách mạng bị tù đày đã vượt ngục trở về cùng các đảng viên bám trụ, các đảng viên tạm lánh sự khủng bố nhanh chóng gầy dựng lại phong trào và thành lập Chi bộ Bà Rịa (5/1945). Nắm được chủ trương của Trung ương, Tổng bộ Việt Minh và chỉ thị của Xứ ủy Nam Kỳ, Chi bộ nhanh chóng lãnh đạo chuẩn bị các điều kiện cho Tổng khởi nghĩa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào Thanh niên Tiền phong (TNTP) khởi xướng từ Sài Gòn (5/1945) phát triển và lan rộng về các tổng, xã, các sở cao su. Khẩu hiệu: “Gia nhập Thanh niên Tiền phong là yêu nước” đã cổ vũ, thu phục được các tầng lớp nhân dân, kể cả công chức, viên chức, hương chức, thầy xu, thầy cai, thầy ký… hăng hái tham gia. Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổng, xã, các sở cao su ở Bà Rịa, Vũng Tàu đều thành lập được tổ chức TNTP, có từ vài chục đến hơn trăm đội viên. Hoạt động của TNTP dần lấn át cả chính quyền các cấp của Nhật. Khi tề xã rệu rã, TNTP làm chủ thôn ấp, tuần tra canh gác, giữ trật tự trị an, tích cực chuẩn bị vũ khí, sẵn sàng chiến đấu. Đây là lực lượng chủ yếu, làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Số thanh niên hoạt động trong phong trào Mặt trận bình dân được tập hợp, tổ chức thành Đội tự vệ vũ trang, có nhiệm vụ đánh Nhật, trừng trị bọn Việt gian, bảo vệ nhân dân, cán bộ, đảng viên. Chi bộ chỉ đạo tổ chức TNTP thành lập các đội thanh niên xung kích, sưu tầm vũ khí, luyện tập quân sự. TNTP ở các sở cao su tập hợp được hàng trăm thanh niên, vũ trang bằng vũ khí thô sơ; thanh niên dân tộc Châu Ro hăng hái chế tạo vũ khí thô sơ như cung, ná… Toàn dân từ thành thị đến nông thôn tích cực, khẩn trương chuẩn bị vật chất, tinh thần, háo hức đợi lệnh Tổng khởi nghĩa để được tham gia, góp sức.
NGÀY HỘI CỦA QUẦN CHÚNG
Nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa từ Trung ương cùng sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, nhân dân trong tỉnh đồng tâm, nhất tề đứng lên, biến cuộc đấu tranh giành chính quyền thành ngày hội của quần chúng.
Sáng 25/8/1945, 20 ngàn đồng bào Bà Rịa cùng lực lượng TNTP rầm rộ kéo về trung tâm tỉnh lỵ. Thủ lĩnh TNTP thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố nền độc lập thuộc về nhân dân. Kẻ thù hoảng sợ, buộc phải nhượng bộ trước khí thế hừng hực của quần chúng. Tỉnh trưởng Bà Rịa từ chức và trao chính quyền cho cách mạng. Sau cuộc mít tinh, đồng bào tuần hành về từng cơ sở giành chính quyền. Cờ quẻ ly của Nhật hạ xuống, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên, tung bay trên nóc Dinh Tỉnh trưởng.
Trong khí thế cách mạng như nước xô bờ, nhân dân Đất Đỏ nổi dậy và nhanh chóng giành chính quyền. TNTP ở các sở cao su truy bắt những tên tay sai Nhật, Pháp. Các xã vùng Long Kiên, Long Phước, Long Tân giải tán ban hội tề, cử đại diện lên tổ chức chính quyền cách mạng.
Sáng 28/8/1945, Đội cảm tử quân cách mạng cùng hơn 4.000 đồng bào Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam khí thế hừng hực kéo về sân vận động Lam Sơn biểu tình cướp chính quyền. Tại cuộc mít tinh, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố: từ giờ phút này, chính quyền thật sự về tay nhân dân! Trước sức mạnh của đồng bào, kẻ thù không dám chống cự, chính quyền tay sai đầu hàng, đành bàn giao ấn tín và hồ sơ cho cách mạng. Sau cuộc mít tinh, nhân dân diễu hành về nhiều hướng, đến chiếm các công sở, xí nghiệp trên địa bàn. Thị xã Vũng Tàu rực rỡ trong sắc màu cờ đỏ, sao vàng.
Ở giữa trùng khơi, Côn Đảo sau ngày 25/8 không còn quân Pháp, quân Nhật, chỉ còn lại chính quyền bù nhìn, cai ngục người Việt và tù nhân. Đứng trước thời cơ đã chín muồi, Đảng ủy và Hội tù nhân lựa chọn đúng đắn: đoàn kết, đấu tranh giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Với lực lượng đã được xây dựng, tổ chức chu đáo, kinh nghiệm được đúc kết, cuộc đấu tranh đòi chúa đảo bàn giao chính quyền tuy căng thẳng, quyết liệt nhưng vẫn diễn ra ôn hòa. Đến ngày 17/9/1945, lần đầu tiên người tù Côn Đảo giành được quyền làm chủ.
Bằng sức mạnh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ và thành công ở Bà Rịa, Vũng Tàu, Côn Đảo thắng lợi đã góp phần và hòa cùng dòng chảy Tổng khởi nghĩa ở các tỉnh Nam Bộ cũng như trên cả nước. Bước ngoặt lịch sử đó không chỉ là mốc son, mà còn là điểm khởi đầu, mở ra cơ hội để có một BR-VT giàu đẹp, hiện đại, văn minh, trở thành “nơi đáng sống” như ngày hôm nay!
NGUYỄN QUANG PHI
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
và Hội Khoa học lịch sử tỉnh BR-VT)