Quan tâm, chăm lo cho thế hệ trẻ

Thứ Năm, 27/08/2020, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, trong những năm qua, các cấp Đoàn trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, giáo dục cho thanh niên về mọi mặt.

ĐVTN tham gia ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Huyện Đoàn Đất Đỏ tổ chức.
ĐVTN tham gia ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Huyện Đoàn Đất Đỏ tổ chức.

ĐỒNG HÀNH CÙNG THANH NIÊN

Theo thống kê, tổng số thanh niên trên địa bàn tỉnh là 244.819 người (chiếm 37% dân số và trên 40% lực lượng lao động). Đa số ĐVTN sống bằng nghề nông nghiệp nên nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế rất bức thiết. Nhận thức rõ điều này, các cơ sở Đoàn đã chủ động tạo điều kiện cho 6.380 thanh niên tiếp cận vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Từ năm 2011 đến nay, 100% thanh niên LLVT, công chức, viên chức, HS-SV và 85% thanh niên nông thôn, đô thị và công nhân thường xuyên được học Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đời sống, học tập và việc làm; 70% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản; trên 80% thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên di cư được tiếp cận với thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Đơn cử như trường hợp gia đình anh Phạm Văn Giáo (SN 1988, ấp Phước Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã được hỗ trợ vay vốn. Anh cho biết, trước đây gia đình anh chỉ trồng xen canh các loại cây hoa màu cho giá trị kinh tế thấp nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2016, qua sự giới thiệu của Xã Đoàn Hòa Hiệp, anh được Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện cho vay 25 triệu đồng. Gia đình dùng số tiền trên đầu tư cải tạo 1.000m2 đất, mua lưới, tre về dựng giàn và bạt phủ gốc để trồng khổ qua và dưa leo.

Ngoài học hỏi kỹ thuật từ sách báo, internet, anh còn cất công đi nhiều nơi để tham quan, học tập cách trồng và chăm sóc cây khổ qua và dưa leo. Nhờ đó, mà sau 2 năm triển khai, anh Giáo đã nắm vững kỹ thuật trồng, năng suất mùa sau cao hơn mùa trước. Thấy thu hoạch từ khổ qua, dưa leo cao, đầu năm 2017, anh Giáo quyết định mở rộng diện tích lên 2.000m2. Đến nay, vườn khổ qua và dưa leo của anh Giáo cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 3 lao động thời vụ với mức thu nhập 250 ngàn đồng/người/ngày.

Nhận thấy nhiều ĐVTN trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn trong quá trình xây dựng các mô hình kinh tế do thiếu kỹ năng, kiến thức, từ đầu năm 2011 đến nay, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các cấp, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển thanh niên nông thôn (Sở NN-PTNT) tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao KH-KT, dạy nghề cho gần 6.000 lượt ĐVTN. Nhờ tham gia lớp tập huấn “Những kiến thức cơ bản giúp ĐVTN vươn lên làm giàu bằng nghề nông” do Huyện Đoàn Đất Đỏ phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức, đầu năm 2016, anh Nguyễn Đức Toàn (SN 1992, ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) mạnh dạn đầu tư 70 triệu đồng để chuyển đổi sang mô hình trồng quýt và mít. Trước khi trồng, anh Toàn đã đầu tư san ủi mặt bằng, bón phân hữu cơ, đồng thời chú trọng chọn giống, xử lý mầm bệnh trong đất trước khi trồng quýt… Song song đó, anh còn đầu tư chuồng nuôi 50 con dê để tranh thủ nguồn thức ăn từ lá cây. Hiện mô hình trồng quýt, mít kết hợp nuôi dê của anh Toàn cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, thực hiện phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp”, Tỉnh Đoàn cũng đã xây dựng mô hình “Rửa xe, dán decal giúp đỡ tạo việc làm cho 10 thanh niên nông thôn” xã Kim Long, huyện Châu Đức, với tổng kinh phí 110 triệu đồng; đăng tải về nhu cầu nghề nghiệp, việc làm trên website www.vieclamthanhnienbariavungtau.vn; phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ năng về tư vấn và giới thiệu việc làm, 4 lớp khởi sự DN cho hơn 1.435 cán bộ Đoàn các xã, thị trấn; hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho 27.214 thanh niên; dạy nghề cho 5.771 thanh niên. Trung bình mỗi năm, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh giải quyết việc làm cho ít nhất 5.000-6.000 thanh niên, trên 80% thanh niên được tư vấn về nghề nghiệp và việc làm, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đô thị xuống dưới 4% và tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn xuống dưới 6%.

Nhờ được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, anh Phạm Văn Giáo (ấp Phước Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Nhờ được vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, anh Phạm Văn Giáo (ấp Phước Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.


NÂNG CAO Ý THỨC PHÁP LUẬT

Nhằm thể hiện vai trò người đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thanh niên, các cấp Đoàn đã chỉ đạo cơ sở Đoàn thành lập 82 CLB “Thắp sáng niềm tin” với sự tham gia của hơn 500 ĐVTN nhằm nắm bắt tình hình, tiếp cận, giáo dục những đối tượng có biểu hiện lệch lạc về lối sống, có nguy cơ làm trái pháp luật. Qua đó góp phần phòng, chống vi phạm pháp luật trong ĐVTN.

Sinh ra trong gia đình khá giả ở TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, cuộc sống của anh Nguyễn Xuân Đ. tưởng chừng như sẽ êm đẹp nếu không xảy ra trường hợp cha mẹ ly hôn năm anh tròn 16 tuổi. Từ đó, anh Đ. bắt đầu sống buông thả, thường xuyên tụ tập bạn bè chơi bời hư hỏng và tìm đến ma túy để “giải sầu”. Nắm được thông tin về anh Đ., Công an TT.Phước Bửu đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cử các ĐVTN thường xuyên đến gặp gỡ, động viên và tìm cách giúp anh Đ. từ bỏ ma túy.

“18 tháng có thể là ngắn đối với người bình thường, nhưng với những người sống trong trại cai nghiện, đó là chuỗi ngày tăm tối nhất và là khoảng lặng để tôi suy nghĩ, nhìn lại sai lầm do chính mình gây ra”, anh Đ. chia sẻ. Sau khi cai nghiện thành công, tái hòa nhập cộng đồng vào đầu năm 2018, anh Đ. vẫn được các ĐVTN sát cánh trong cuộc sống và công việc. Cũng nhờ sự động viên của các bạn trẻ, anh Đ. mạnh dạn tham gia vào phong trào Đoàn, Hội tại địa phương. Anh cũng là người đã cung cấp thông tin giúp lực lượng an ninh, dân quân tự vệ địa phương phát hiện nhiều đối tượng gây rối ANTT và sử dụng ma túy.

Cùng với đó, hằng năm, Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Trại giam Xuyên Mộc (Tổng cục VIII, Bộ Công an) tổ chức chương trình giao lưu “Thắp sáng niềm tin hoàn lương” nhằm giao lưu, chia sẻ với các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, qua đó giúp các phạm nhân tự tin hơn, tránh mặc cảm với quá khứ để yên tâm cải tạo tốt, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời. Sau mỗi đợt đặc xá, Công an tỉnh đều gửi danh sách các phạm nhân ở độ tuổi thanh niên mãn hạn tù ở Trại giam cho Tỉnh Đoàn để phân công các cơ sở Đoàn, Hội lên kế hoạch giúp đỡ số đối tượng này. Nhờ đó mà từ năm 2014 đến nay, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương quản lý, giáo dục, cảm hóa 1.014 đối tượng trong diện giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, các cơ sở Đoàn còn tuyên truyền, phổ biến cho ĐVTN các văn bản pháp luật mới, các quy định pháp luật có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên như: Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Công an nhân dân, Luật đặc xá, Luật chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Lao động, Luật Thanh niên, Luật cư trú, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật An ninh mạng...

Theo anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh Đoàn, nhằm thực hiện tốt các chính sách, pháp luật cho thanh niên, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng, tập huấn cho thanh niên kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của mỗi vùng; nhân rộng các mô hình thanh niên làm ăn có hiệu quả để thanh niên học tập, áp dụng vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Để ĐVTN hiểu biết hơn về pháp luật, hạn chế tình trạng sống buông thả không có ý chí phấn đấu, các cơ sở Đoàn địa phương sẽ tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, CLB, đội, nhóm phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên; vận động, khuyến khích ĐVTN tham gia Đội thanh niên xung kích, tham gia tuần tra, canh gác, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn”, anh Lê Văn Minh nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.