Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên là rất quan trọng, là “công việc gốc của Đảng”, phải được tiến hành thường xuyên. Thực hiện tư tưởng đó, Đảng ta luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên.
Với vị trí, vai trò tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên, Trường Chính trị tỉnh cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh đã đặc biệt quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên trong toàn tỉnh. Trường đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, phương tiện giảng dạy được coi trọng, chất lượng giảng dạy ngày càng được nâng cao. Đội ngũ giảng viên đã tích cực cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, khai thác, sử dụng hiệu quả các phương pháp giảng dạy tích cực nhằm truyền đạt kiến thức lý luận tốt nhất cho học viên. Công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế được Nhà trường quan tâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy tiếp tục được tăng cường, hoàn thiện. Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng được củng cố, nề nếp, hiệu quả.
Tuy vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên thời gian qua vẫn còn một số hạn chế: phương pháp giảng dạy còn nặng về truyền đạt kiến thức, chưa phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học viên. Phương pháp thuyết trình vẫn được một số giảng viên lựa chọn làm phương pháp chính trong giảng dạy lý luận chính trị. Công tác quản lý đào tạo còn hạn chế, nhất là quản lý tự học. Ý thức tự giác trong học tập của học viên chưa cao. Việc phối hợp với các địa phương, đơn vị để nắm bắt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm cũng như việc tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chậm và chưa được chủ động.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đảng viên thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp sau:
Một là, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ của tỉnh cần điều tra, khảo sát trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, để bảo đảm sát đối tượng... Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ phải gắn chặt với quy hoạch, sử dụng cán bộ, bảo đảm tính chủ động và tiết kiệm nguồn lực.
Hai là, thường xuyên đổi mới, cập nhật nội dung giảng dạy theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Nội dung chương trình là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chỉ khi nào có nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bảo đảm khoa học, hợp lý, phù hợp với thực tiễn và đối tượng, đáp ứng được mục đích, yêu cầu đào tạo đặt ra thì chất lượng đào tạo, bồi dưỡng được nâng lên.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học đảm bảo phù hợp với các hệ đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Đổi mới phương pháp là động lực làm thay đổi căn bản chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH đất nước. Sử dụng hợp lý các phương pháp dạy học truyền thống, phương pháp dạy học tích cực nhằm góp phần phát huy tối đa sự tham gia của người học vào quá trình dạy học.
Ba là, nâng cao chất lượng quản lý hoạt động dạy và học. Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng không chỉ phụ thuộc vào quá trình dạy và học mà còn phụ thuộc vào hiệu quả của công tác quản lý. Thông qua hoạt động quản lý nắm được những việc làm được và chưa làm được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để kịp thời biểu dương, động viên, khích lệ. Đồng thời, chấn chỉnh, uốn nắn và rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, yếu kém trong quản lý, điều hành để hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ngày càng nề nếp, hiệu quả cao hơn.
Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức với Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị, thành phố đối với học viên trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị và ban chỉ đạo lớp học đối với lớp mở tại các huyện, thị, thành phố trong quản lý lớp học; định kỳ thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học viên và ý kiến nhận xét đánh giá của các đơn vị về kết quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, quan tâm, chú trọng thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người dạy và học lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên yên tâm, phấn khởi công tác cũng như trong học tập, rèn luyện.
TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH