Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2/9/1945. Ảnh tư liệu |
Bản Tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
KHẲNG ĐỊNH CHÂN LÝ CỦA THỜI ĐẠI
Thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với Quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập”!
Mở đầu Tuyên ngôn, Người viện dẫn luận điểm bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập nước Mỹ năm 1776, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791, để “suy rộng ra” và khẳng định đanh thép: Dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng “Bình đẳng, quyền sống, sung sướng, tự do” cũng như tất cả các dân tộc trên thế giới đều có quyền được hưởng những giá trị thiêng liêng ấy. Đó là chân lý của thời đại “lẽ phải không ai chối cãi được” và hiển nhiên “không ai có quyền xâm phạm”.
Dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay luôn kiên cường, bất khuất không cam chịu mất nước, không chịu thân phận nô lệ. Theo tiếng gọi của Đảng, toàn dân một lòng kiên quyết đứng dậy làm nên sự kiện biến động lớn nhất nửa đầu thế kỷ XX: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”. Cách mạng Tháng Tám như “chiếc đinh cuối cùng đóng lên cỗ quan tài để đưa tiễn chủ nghĩa thực dân”. Để rồi, Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố dứt khoát: Từ thời khắc lịch sử này phủ nhận triệt để vai trò của thực dân Pháp “xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”, đặt dấu chấm hết cho một thể chế tàn bạo trong lịch sử.
Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tất yếu, thiêng liêng, bất khả xâm phạm: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!” và Người tin rằng: “Các nước Đồng minh... không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.
Là Tuyên ngôn lập quốc vĩ đại nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Tuyên ngôn Độc lập cáo chung chính thể quân chủ chuyên chế, mở đầu thời đại dân tộc hồi sinh, nhân dân sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc!
THIÊNG LIÊNG LỜI THỀ ĐỘC LẬP
Đoạn kết của Tuyên ngôn Độc lập chính là “Lời thề độc lập” - lời thề bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà nhân dân vừa giành được. Đó là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, là ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của dân tộc Việt Nam. Bởi hơn ai hết, bằng trái tim nóng bỏng và trí tuệ uyên bác, Người đã luận giải đến tận cùng vấn đề lớn của thời đại: Nếu một dân tộc mất độc lập thì ở dân tộc đó không có quyền con người. Quyền dân tộc là vấn đề cơ bản quyết định quyền con người; quyền con người chỉ được bảo vệ khi quyền dân tộc được bảo đảm; dân tộc có độc lập thì dân quyền mới tự do, dân sinh mới hạnh phúc.
Giành độc lập dân tộc đã khó, giữ được độc lập để phát triển đất nước vững bền, nhân dân được ấm no, hạnh phúc lại càng khó hơn. Độc lập tự do là vốn quý, “ta đã khổ sở trong bao nhiêu năm mới giành được, cần cố gắng giữ gìn, bảo vệ”. Bởi vậy, Tuyên ngôn khẳng định ý chí và quyết tâm cao nhất trong mọi hoàn cảnh, điều kiện và giai đoạn lịch sử: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện chính trị hội tụ đỉnh cao của trí tuệ, nhân văn. Hiện nay, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, biển đảo, bầu trời diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt càng cho chúng ta cảm nhận đầy đủ, sâu sắc giá trị tỏa sáng, sức sống trường tồn của Tuyên ngôn Độc lập.
Trải qua 75 năm, Tuyên ngôn Độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế. Các thế hệ con Rồng, cháu Tiên vẫn theo tiếng gọi của Tuyên ngôn, tiếp tục phát huy giá trị của độc lập, tự do và trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn cảnh giác, kiên trì, kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
NGUYỄN QUANG PHI