16 giờ ngày 23/8 tại Sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên - Huế đã tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng, Ủy ban Khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội, chứng kiến giây phút lịch sử chuyển mình: Triều đình nhà Nguyễn sụp đổ, kết thúc hàng ngàn năm chế độ phong kiến ở Việt Nam, báo hiệu một kỷ nguyên mới của đất nước.
Cảnh vua Bảo Đại thoái vị, trao ấn kiếm được tái hiện tại Bảo tàng Lịch sử - cách mạng Thừa Thiên - Huế. |
NHỮNG NGÀY QUẬT KHỞI
Ở Huế, 21 giờ 15 phút đêm 9/3/1945 quân Nhật tấn công quân Pháp. Chiều 10/3 quân Nhật hoàn toàn làm chủ TP. Huế, tình hình càng thêm phức tạp. Các tổ chức thân Nhật xuất hiện như “nấm sau mưa” và ráo riết hoạt động gây rối, chống phá cách mạng. Nhiều đội lính khố vàng người bản xứ vẫn được Nhật nuôi dưỡng để đàn áp phong trào. Hàng ngàn quân thiện chiến của Nhật vẫn hiện diện, được trang bị đầy đủ vũ khí, phương tiện, sẵn sàng gây tội ác bất cứ lúc nào với lực lượng Việt Minh.
Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Khởi nghĩa và những cán bộ được Trung ương chi viện vào Huế đã chủ động, nhanh nhạy, sáng tạo lãnh đạo nhân dân Thừa Thiên-Huế vượt qua mọi thách thức, chỉ đạo khởi nghĩa ở địa phương hòa cùng khí thế sục sôi của Tổng khởi nghĩa trên cả nước.
Thực hiện quyết định của Hội nghị cán bộ toàn tỉnh ngày 15/8, Ủy ban Khởi nghĩa các huyện ngoại thành Huế đã phát động quần chúng đấu tranh giành chính quyền. Hàng vạn đồng bào với cờ, khẩu hiệu cùng vũ khí thô sơ rầm rộ vùng lên tự giải phóng quê hương và nhanh chóng giành được chính quyền. Huyện Phong Điền, Phú Lộc khởi nghĩa thành công trong ngày 19/8; Hương Thủy ngày 20/8; Phú Vang ngày 22/8; Quảng Điền, Hương Trà giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 23/8. Khởi nghĩa nổ ra ở các huyện ngoại thành Kinh đô Huế vô cùng phong phú, đa dạng, sinh động và hiệu quả. Hình thái khởi nghĩa giống như bức tranh thu nhỏ của cuộc Tổng khởi nghĩa trên cả nước: Có nơi giành chính quyền từ xã rồi kết thúc ở huyện, có nơi giành chính quyền ở huyện rồi kết thúc ở xã và một số nơi khởi nghĩa giành thắng lợi ở xã và huyện diễn ra cùng một thời điểm, tạo ra mối liên kết chặt chẽ và hỗ trợ nhau trong quá trình diễn ra khởi nghĩa trên địa bàn.
Nhận được tin ngày 23/8/1945, quân Nhật sẽ làm lễ trao độc lập cho chính quyền Bảo Đại, khí thế khởi nghĩa đang đẩy lên cao, thừa thắng xốc tới và để tiêu diệt ý đồ đen tối của kẻ thù, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định khởi nghĩa ở Kinh đô Huế đúng vào ngày 23/8.
Trước sức mạnh của cuộc khởi nghĩa, đêm 22/8 Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn phải tuyên bố “Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh”. Thời khắc lịch sử đã đến: Chiều 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân tập trung với hàng ngũ chỉnh tề dự mít tinh dưới rừng cờ đỏ sao vàng. Kẻ thù bị tê liệt và không hề có bất cứ kháng cự nào với đoàn quân khởi nghĩa. Thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa, đồng chí Tố Hữu tuyên bố xóa bỏ chính quyền Bảo Đại, lập chính quyền cách mạng trên toàn tỉnh, từ đây chính quyền thuộc về nhân dân!
GIÂY PHÚT LỊCH SỬ CHUYỂN MÌNH
Nhân dân Hà Nội vinh dự được thay mặt đồng bào cả nước đón Bác Hồ và Trung ương về sau ngày khởi nghĩa thành công; được tham dự Lễ ra mắt Chính phủ lâm thời và chứng kiến sự kiện trọng đại của dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhân dân Huế lại có niềm tự hào, kiêu hãnh và vinh hạnh chính đáng riêng, được thay mặt nhân dân cả nước chứng kiến khoảnh khắc lịch sử: vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị và trao ấn kiếm cho cách mạng.
Chiều 30/8 - một chiều lịch sử không thể nào quên, tại lầu Ngọ Môn, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh kỳ đài, trước đông đảo đại biểu nhân dân nội, ngoại thành Huế, vua Bảo Đại đọc “Chiếu thoái vị”, trao trả Quốc ấn bằng vàng và thanh gươm bằng vàng nạm ngọc - biểu tượng quyền lực chế độ phong kiến cho Nhà nước cộng hòa dân chủ. Vị vua thứ 13 của nhà Nguyễn có “20 năm ngai vàng bệ ngọc” trong giờ phút “cáo chung của chế độ phong kiến” vẫn cảm thấy vui khi “được làm dân tự do của một nước độc lập”! Đó là thời điểm cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn sau 143 năm tồn tại và cũng là thời khắc cuối cùng chấm dứt các triều đại phong kiến ở Việt Nam.
Huế vừa là kinh đô của triều Nguyễn, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn và là nơi đặt cơ quan cai trị của phát xít Nhật. Vì vậy, khởi nghĩa ở Kinh đô Huế kết thúc thắng lợi không chỉ chặt đứt thêm một mắt xích quan trọng của bộ máy cai trị phát xít, trực tiếp xóa bỏ chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, mà còn tạo động lực, góp phần quan trọng đẩy mạnh tiến trình hoàn tất Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trên phạm vi cả nước.
NGUYỄN QUANG PHI