Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp, nơi cơ quan đầu não của chính quyền thân Nhật chiếm đóng. Vì vậy Cách mạng Tháng Tám bùng nổ và thành công ở Hà Nội không chỉ là thắng lợi to lớn mà còn tác động sâu sắc đến cuộc Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.
Tự vệ và nhân dân Hà Nội trong ngày Tổng khởi nghĩa 19/8/1945. Ảnh: TƯ LIỆU |
CUỘC BIỂU DƯƠNG SỨC MẠNH CỦA NHÂN DÂN
Nhận được Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” cùng với nhiều cán bộ từ Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ về giúp, Đảng bộ Hà Nội tích cực chỉ đạo thành lập các tổ chức cứu quốc trong các tầng lớp nhân dân; phát động phong trào quyên góp, gây quỹ “Đồng tiền cứu nước” để sản xuất, mua sắm vũ khí; tích cực lấy súng đạn của địch trang bị cho lực lượng vũ trang; tổ chức cho nhân dân phá kho thóc của Nhật, vừa cung cấp lương thực chống đói vừa tập dượt công tác tổ chức, chỉ huy để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Lệnh Tổng khởi nghĩa đến Hà Nội ngày 15/8/1945, cũng trong chiều hôm đó Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội. Chỉ 2 ngày sau, Ủy ban Khởi nghĩa đã lãnh đạo nhân dân biến cuộc mít tinh ủng hộ Chính phủ thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh. Cuộc mít tinh đã trở thành cuộc tuần hành, biểu dương lực lượng của hàng vạn quần chúng nội và ngoại thành, làm cho quân Nhật và tay sai hoang mang đến cực điểm.
Ngày 17/8, lực lượng cách mạng ở thế áp đảo, kẻ thù suy yếu đến cực độ và nhân dân nóng lòng hành động. Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội quyết định phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8.
Không khí khởi nghĩa tưng bừng như ngày hội lớn. Ngày 18/8, các xã ngoại thành đều biểu tình tuần hành. Trong nội thành, từng đoàn xe mô tô, xe đạp của các đội viên Đội tuyên truyền hoạt động; nhân dân tự nguyện may cờ, đón nhận tài liệu Việt Minh, sắm sửa vũ khí thô sơ, đi phát truyền đơn, dán áp phích... Cờ đỏ sao vàng xuất hiện nối dài, đỏ rực trên các đường phố.
Sáng sớm ngày 19/8, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân với vũ khí thô sơ đánh chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực ngã tư Sở. Hàng vạn đồng bào từ các huyện ngoại thành: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm mang theo cờ, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm... tiến vào nội thành.
Công nhân, nông dân, trí thức, HS, SV... từ già trẻ, gái trai đều nô nức tràn xuống đường, cả Hà Nội ầm vang tiếng hô khẩu hiệu: “Đả đảo Chính phủ bù nhìn”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Cách mạng thành công muôn năm”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”... Đúng 11 giờ ngày 19/8, hơn 20 vạn nhân dân tập trung trước Nhà hát Lớn. Trong giây phút lịch sử thiêng liêng ấy, đồng bào như được tiếp thêm nguồn sức mạnh qua lời hiệu triệu của Việt Minh do Ủy ban Khởi nghĩa truyền đạt.
Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình có vũ trang giành chính quyền. Quần chúng được chia thành 2 cánh tỏa đi khắp phố phường Hà Nội. Cánh thứ nhất do Đội công nhân xung phong dẫn đầu đánh chiếm Phủ Khâm sứ, Tòa thị chính, Kho bạc, Bưu điện, Sở Cảnh sát; cánh thứ hai do Đoàn Thanh niên Hoàng Diệu dẫn đầu đánh chiếm Trại Bảo an binh và Ty liêm phóng Bắc Kỳ. Trước khí thế sục sôi và sức mạnh như chẻ tre của quần chúng khởi nghĩa, binh lính Nhật và tay sai hoang mang, rã rời, bất lực và cuối cùng bị cách mạng khuất phục.
Chiều tối ngày 19/8, Hà Nội tràn ngập trong niềm vui chiến thắng, chính quyền về tay nhân dân!
PHÁT ĐỘNG TOÀN DÂN ĐỨNG LÊN GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công là thành quả của một quá trình lâu dài chuẩn bị, xây dựng lực lượng cách mạng chu đáo, kỹ càng; là sự nhạy bén chọn đúng thời điểm thuận lợi nhất để phát động toàn dân đứng lên. Thắng lợi ở Hà Nội càng sáng tỏ chân lý: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, mọi thắng lợi của cách mạng đều dựa vào sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, trên tinh thần chủ động “đem sức ta mà giải phóng cho ta” và từ đây đã cho nhiều nơi bài học “giành chính quyền một cách không phải đổ máu”.
“Tiếng súng” ở Hà Nội mở đầu cho Cách mạng Tháng Tám bùng nổ ở các đô thị lớn trong phạm vi toàn quốc và chiến thắng đó đồng nghĩa với chế độ thực dân trên đất nước ta sụp đổ. Nhân dân Hà Nội đã giáng một đòn chí mạng, có tính quyết định vào chính quyền tay sai Nhật, làm tăng thêm sự khủng hoảng, đẩy chúng đến chỗ tuyệt vọng, tan rã và đầu hàng cách mạng.
Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội không chỉ tạo điều kiện cho Trung ương và Bác Hồ về Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Tổng khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn, mà còn nhanh chóng lan tỏa, động viên, khích lệ “Tạo điều kiện và cổ vũ nhân dân ở Nam Bộ và những vùng chưa giải phóng nổi dậy giành chính quyền”, như Tổng Bí thư Trường Chinh khẳng định.
NGUYỄN QUANG PHI