Muộn hơn 6 ngày so với Hà Nội, 2 ngày so với Huế, lại xa đầu não cách mạng, nhưng cuộc khởi nghĩa của nhân dân Sài Gòn đã nhanh chóng thành công. Không chỉ tác động trực tiếp đến các tỉnh Nam Bộ, cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn còn giáng đòn quyết định vào thực dân Pháp, đưa Cách mạng Tháng Tám kết thúc thắng lợi trên cả nước.
Nhân dân Sài Gòn biểu tình giành chính quyền ngày 25/8/1945. Ảnh: Tư liệu |
KHÍ THẾ CÁCH MẠNG TRÀO DÂNG
Càng đến gần tháng 8/1945, không khí tiền khởi nghĩa ở Sài Gòn - Gia Định càng khẩn trương, sôi nổi. Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định được tăng thêm sức mạnh khi các đảng viên từ nhà tù, trại giam trở về. Nhiều cán bộ, đảng viên, quần chúng trung kiên ẩn tránh địch thời gian trước dần trở lại nối liên lạc và hoạt động. Hàng triệu người dân nội thành và ngoại thành được Đảng tuyên truyền, vận động và tổ chức để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Riêng nội thành Sài Gòn xây dựng được 324 công đoàn cơ sở với 120 ngàn đoàn viên. Thanh niên Tiền phong có 80 ngàn đội viên hoạt động công khai, hợp pháp.
Do chưa thống nhất được thời điểm phát lệnh khởi nghĩa, nên trong 7 ngày, Xứ ủy Tiền Phong phải họp đến 3 lần. Khi Tân An - tỉnh cửa ngõ phía Tây Sài Gòn được chỉ định làm khởi nghĩa thí điểm thắng lợi, Hội nghị lần thứ 3 của Xứ ủy vào sáng 23/8 mới thống nhất: Dự kiến khởi nghĩa đầu hôm 24/8 phát lệnh, 0 giờ sáng ngày 25 là xong, sáng 25 tổ chức biểu tình.
18 giờ ngày 24/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ phát lệnh khởi nghĩa theo đúng kế hoạch đã thống nhất. Đêm 24/8 - đêm Sài Gòn không ngủ, cả thành phố sục sôi, tràn ngập không khí cách mạng hào hùng! Từ 19 giờ, đoàn quân khởi nghĩa vùng lên mạnh mẽ, ào ạt xông lên chiếm các cơ sở quan trọng của địch mà không gặp cản trở gì: Dinh Khâm sai, Dinh Đốc lý, Sở Cảnh sát, Đài Phát thanh, Bưu điện, các cầu, nhà ga, chợ, bến xe và tiến hành kiểm soát nghiêm ngặt các cửa ngõ ra vào thành phố.
Từ nửa đêm 24/8, hàng chục vạn quần chúng nhân dân từ Bà Điểm, Hóc Môn, Bình Đông, Bình Chánh... đến các tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre... tập hợp thành đoàn lớn mang theo cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, súng, mác, kiếm, tầm vông tiến về trung tâm thành phố.
Sáng 25/8, Sài Gòn cả một biển người, một rừng cờ, băng rôn, khẩu hiệu màu sắc rực rỡ. Hơn một triệu người đủ các thành phần giai cấp, lứa tuổi, các giới, tôn giáo, nghề nghiệp, có cả người Hoa, người Pháp cùng diễu hành. Thành phố rung chuyển, dòng người dài bất tận, vừa đi vừa hô khẩu hiệu và hát vang các bài ca cách mạng. 11 giờ 30 phút, đoàn biểu tình tụ họp ở Dinh Độc Lập và tràn ngập các đường từ trung tâm thành phố đến Cảng Sài Gòn, chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà đến Dinh Toàn quyền, sở thú. Biển người hò reo, vỗ tay như sấm dậy khi đại diện Kỳ bộ Việt Minh tuyên bố: Khởi nghĩa đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân!
CẢ NAM BỘ CÙNG ĐỨNG LÊN KHỞI NGHĨA
Sài Gòn là thành phố lớn, trọng điểm ở Nam Kỳ, có vị trí chiến lược quan trọng. Nếu cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội mở đầu, quyết định triển khai cuộc Tổng khởi nghĩa trên cả nước thì cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn mang ý nghĩa quyết định thắng lợi ở Nam Bộ và là một trong 3 đòn (cùng với Hà Nội và Huế) quyết định đưa Cách mạng Tháng Tám trên cả nước đến thành công trọn vẹn.
Sài Gòn khởi nghĩa chậm hơn Hà Nội và Huế, lại ở xa sự chỉ đạo của Trung ương, chịu nhiều tổn thất trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ trước đó nhưng đã kịp hòa vào làn sóng Tổng khởi nghĩa trên cả nước. Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn vùng lên và giành thắng lợi đã đặt dấu chấm hết cho bộ máy cai trị phát xít và tay sai ở nước ta, “Nó như phát súng lệnh” có sức lan tỏa đến các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ, thôi thúc nhân dân trong cả nước vùng cùng kịp thời đứng dậy chớp thời cơ cướp chính quyền.
Cùng với Sài Gòn là nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Gia Định, Chợ Lớn, Sa Đéc, Long Xuyên, Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng giành được quyền làm chủ trong ngày 25/8. Như sóng trào dâng, các tỉnh Mỹ Tho, Biên Hòa, Trà Vinh, Tây Ninh, Cần Thơ nổi dậy giành chính quyền trong ngày 26/8; Châu Đốc ngày 27 và Vũng Tàu, Rạch Giá, Hà Tiên ngày 28/8. Tất cả các tỉnh Nam Bộ chính quyền đã về tay nhân dân.
28 ngày sau khi cách mạng giành được độc lập, thực dân Pháp ngang nhiên nổ súng đánh chiếm Sài Gòn (23/9), gây ra cuộc chiến tranh đơn phương. Lời thề “Độc lập hay là chết”, lại thôi thúc nhân dân Sài Gòn và cả Nam Bộ bước vào cuộc trường chinh chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp lần thứ hai, kiên quyết bảo vệ đến cùng thành quả cách mạng chính nhân dân đã xây đắp nên.
NGUYỄN QUANG PHI