Những năm qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức, triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa công tác này trong thời gian tới thì cần nhanh chóng thực hiện các giải pháp sau một cách đồng bộ, hiệu quả.
Tính đến tháng 3/2020, tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh là 3.327 người (nam 3.200; nữ 127) tăng 543 người, so với cùng kỳ năm 2019 (3.327/2.874), 82/82 xã, phường, thị trấn và huyện Côn Đảo đều có người nghiện ma túy, trong đó: đang điều trị tại Cơ sở cai nghiện là 867 người và đang trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ là 272 người.
Đến tháng 3/2020, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động của 18 Điểm tư vấn (ĐTV) chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở 8 huyện, thị xã, thành phố, Dự kiến trong năm 2020, thành lập thêm 2 ĐTV theo đúng lộ trình kế hoạch thành lập và duy trì hoạt động ĐTV của UBND tỉnh trong giai đoạn 2017-2020.
Mô hình ĐTV, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã tiếp nhận, tư vấn cho hàng ngàn lượt người nghiện ma túy và thân nhân trong việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính; tư vấn chuyển gửi điều trị các bệnh như: viêm gan, lao, HIV…; tư vấn vận động, chuyển gửi đi cai nghiện ma túy tự nguyện góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức, triển khai các hoạt động cai nghiện ma túy và quản lý người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh như: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy và thân nhân tích cực tham gia đăng ký cai nghiện tự nguyện, người sau cai nghiện tham gia mô hình ĐTV, chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định của pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác cai nghiện, quản lý người sau cai nghiện để kiến nghị, đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, việc hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống trong thời gian qua rất khó khăn, nan giải, không chỉ riêng trên địa bàn tỉnh mà cả nước nói chung, bởi họ bị hạn chế về cả thể chất và tinh thần, do quá trình sử dụng các chất gây nghiện kéo dài khiến sức khỏe suy yếu, phong thái thiếu tự tin, mặc cảm... là những bất lợi khi họ tái hòa nhập thị trường lao động. Đồng thời, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động vẫn dè dặt trong công tác tuyển dụng lao động là người sau cai nghiện vào làm việc.
Do vậy, để công tác cai nghiện, quản lý người nghiện ma túy đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, Sở LĐTBXH đề xuất một số giải pháp như sau:
Các sở, ban, ngành và địa phương cần tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng đi vào chiều sâu có sức lan tỏa phòng, chống ma túy đến các địa bàn dân cư, các trường học, cơ quan, DN... Chú trọng vào những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên, người lao động trong DN.
Ngành công an tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại cộng đồng, tập trung vào người nghiện ma túy thường xuyên biến động (qua đăng ký tạm trú, tạm vắng), người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định (chủ yếu tại TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa, TX. Phú Mỹ).
UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ, hỗ trợ, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống. Đặc biệt kêu gọi, vận động các DN, cơ sở sản xuất… tránh kỳ thị, phối hợp tạo việc làm cho các đối tượng này.
Định hướng Cơ sở tư vấn và Điều trị nghiện tổ chức cai nghiện kết hợp với rèn luyện nhân cách, tổ chức dạy nghề ngắn hạn, lao động giản đơn có tính ứng dụng cao để khi các học viên trở về cộng đồng thuận lợi trong việc tìm kiếm việc làm.
Sở LĐTBXH