.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Hoàn thiện quy định về xuất khẩu lao động

Cập nhật: 22:39, 13/07/2020 (GMT+7)

Sáng 13/7, Phiên họp thứ 46 của UBTVQH diễn ra tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Phiên họp thứ 46 của UBTVQH được tổ chức sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã tổ chức thành công vào tháng 6 vừa qua.

Tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét, cho ý kiến về: Một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế; Việc triển khai thực hiện các quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội; Việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; Việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Xem xét, cho ý kiến về: Việc điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 của Trường Cao đẳng công nghệ thông tin hữu nghị Việt - Hàn từ Bộ TT-TT sang Bộ GD-ĐT; Việc bổ sung dự toán chi hành chính sự nghiệp năm 2020 (nguồn nước ngoài) cho Kiểm toán Nhà nước; Công tác nhân sự; Tổng kết kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ thứ 10 của Quốc hội. Bên cạnh đó, UBTVQH sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đa số Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội tiếp thu theo hướng quy định đơn vị sự nghiệp đó là Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập; đồng thời, bổ sung nhiệm vụ này cho Trung tâm dịch vụ việc làm tại Điều 38 của Luật Việc làm nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính liên thông của lao động trong nước - ngoài nước, phù hợp với thực tế triển khai hoạt động này tại các địa phương, không phát sinh thêm tổ chức, bộ máy...

Có ý kiến đề nghị bổ sung làm rõ đối tượng là du học sinh, người đi thăm thân, lao động đi làm việc theo kỳ nghỉ, lao động dịch chuyển trong ASEAN vào dự thảo Luật để thuận lợi trong việc hướng dẫn thực hiện.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội đề xuất chỉnh lý Điều 54 của dự thảo Luật theo hướng khi người lao động thực hiện đăng ký trực tuyến thông tin về hợp đồng lao động, thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của Luật này thì cũng được hưởng các quyền lợi của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đối với các hình thức di chuyển lao động theo quy định của các điều ước quốc tế khác (bao gồm cả di chuyển thể nhân trong ASEAN), Thường trực Ủy ban thấy rằng, Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế đã quy định rõ về nguyên tắc áp dụng pháp luật nên vẫn bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Luật này có chi tiết nói người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chứ không phải xin đi du lịch rồi ở lại lao động, cần làm rõ nội dung này.

Theo Chủ tịch Quốc hội cũng cần phải phân biệt rõ các chuyên gia đi làm việc ở các nước theo hình thức nào? Nhưng có nhiều hình thức như Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước, cho nên việc chuyên gia đi lao động ở nước ngoài cũng cần làm rõ.

Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định nguyên tắc về việc quản lý lao động khu vực biên giới khi đi lao động ở nước tiếp giáp để có căn cứ cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Qua giám sát, Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có kiến nghị về quản lý Nhà nước đối với đối tượng lao động này.

Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, đan xen giữa các loại hình lao động qua biên giới với các nước láng giềng rất đa dạng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ theo từng địa bàn. Việc bổ sung quy định này vào dự thảo luật đã được Chính phủ, Ban soạn thảo cân nhắc nhiều lần và đã không đưa vào dự thảo Luật khi trình Quốc hội...

HOÀNG HOA

 
.
.
.