Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bàn giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm, diễn ra ngày 2/7.
Tham dự tại điểm cầu BR-VT, các ông: Nguyễn Văn Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn và Lê Ngọc Khánh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
HDBank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn giảm lãi, phí cho 23 khách với tổng dư nợ được cơ cấu 614 tỷ đồng, giữ nguyên nhóm nợ cho nhiều khách hàng thiệt hại do dịch bệnh. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HDBank Vũng Tàu. |
KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG THẤP NHẤT TRONG NHIỀU NĂM QUA
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam ví như “cỗ xe tam mã”, gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Do đó, phải dùng mọi biện pháp thúc đẩy cả “cỗ xe tam mã” để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Theo Thủ tướng, việc sớm ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 đã tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Thế giới đánh giá cao thành quả phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam. Đây là thành công lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Tuy vậy, đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến nền kinh tế. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam. Những ngày gần đây dịch lan rộng và chưa dự báo được thời điểm kết thúc.
Đối với trong nước, ảnh hưởng của COVID-19 rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số DN tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%.
Đến nay, ngành Thuế đã nhận được 1.879 hồ sơ người nộp thuế đề nghị gia hạn tương ứng số tiền đề nghị gia hạn hơn 433 tỷ đồng. Trong ảnh: Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận một cửa Cục Thuế tỉnh. |
VẪN CÓ MỘT SỐ ĐIỂM SÁNG
Tuy nhiên, về tổng thể Việt Nam vẫn có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. Xuất siêu 4 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng, thu ngân sách đạt khá. Tỷ giá ổn định. Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4 và tháng 6 tăng 10,3% so với trong tháng 5. Đặc biệt, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh ngành nghề chế biến, chế tạo cho thấy đa số DN dự báo tình hình kinh doanh quý III sẽ ổn định và tốt hơn. Số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 6 tăng 27,9%.
Tính chung 6 tháng, có 25.200 DN quay trở lại hoạt động, tăng 16,4%. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm đến 74,6% so với cùng kỳ.
Tại BR-VT, tỉnh đã tập trung thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Từ cuối tháng 4 đến nay, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã hoạt động trở lại. Song phần lớn chưa đạt quy mô như thời gian trước khi có dịch.
Các chính sách, biện pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 Tính đến nay, BR-VT đã có 226 hồ sơ đăng ký của các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm đề nghị xem xét hỗ trợ khó khăn với 1 triệu đồng/hộ/tháng. Hiện, cơ quan thuế địa phương đã rà soát và đề xuất giải quyết 130 hồ sơ đúng thủ tục pháp lý quy định. Ở lĩnh vực thuế, đã nhận được 1.879 hồ sơ người nộp thuế đề nghị gia hạn tương ứng số tiền đề nghị gia hạn hơn 433 tỷ đồng. Trong lĩnh vực tín dụng, đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 116 khách hàng, với tổng dư nợ là 276 tỷ đồng; Miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ 94 khách hàng, với dư nợ 2.700 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch khoảng từ 1-2% cho 118 khách hàng với doanh số cho vay mới kể từ ngày 23/1/2020 đạt 2.090 tỷ đồng. Đồng thời, đang xem xét, giải quyết 369 hồ sơ đề nghị hỗ trợ của 237 DN và 132 cá nhân, hộ gia đình với tổng dư nợ đề nghị là 3.964 tỷ đồng để thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Đối với lĩnh vực BHXH, đã thực hiện việc tạm dừng đóng BHXH đến hết tháng 6/2020 và lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020. Ngoài ra, Tỉnh đã phê duyệt chủ trương miễn tiền sử dụng nước sạch và miễn giảm giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ cho các đối tượng liên quan bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Đồng thời hỗ trợ 2.500 người bán lẻ vé số trên địa bàn tỉnh bị mất thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội từ ngày 1/4/2020 đến ngày 15/4/2020, mức hỗ trợ 60.000 đồng/người/ngày. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 20/4/2020 thông qua chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Thời gian hỗ trợ 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020) gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh, mức hỗ trợ 250.00 đồng/khẩu/tháng cho 8.159 khẩu; đối tượng bảo trợ xã hội mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng cho 1.257 người. |
Theo đánh giá của UBND tỉnh, dịch bệnh COVID-19 tuy không có ca nhiễm trên địa bàn tỉnh, nhưng đã gây những tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng các ngành kinh tế đều chậm lại đáng kể, những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, xuất khẩu nông sản, thủy sản, dịch vụ vận tải, cảng biển và một số nhóm ngành công nghiệp may mặc, giầy da… Hầu hết các lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng chịu nhiều tác động, phải điều chỉnh kế hoạch để ứng phó với dịch bệnh; đời sống sinh hoạt của nhân dân ít nhiều bị xáo trộn. Trong điều kiện đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn có một số điểm sáng. Nổi bật là so với cùng kỳ, giá trị sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp vẫn tăng trưởng, tuy mức tăng thấp hơn so với chỉ tiêu kế hoạch; Tổng thu ngân sách 39.320 tỷ đồng, đạt 51,7% dự toán. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 25.452 tỷ đồng, đạt 46,7% kế hoạch. Số DN đăng ký thành lập mới tăng 22,45% so cùng kỳ; số DN bổ sung tăng vốn tăng 250%, vốn đăng ký bổ sung tăng 100,36%.
Công nhân Công ty CP Xây lắp Dầu khí miền Nam (Anpha ECC) trong giờ sản xuất. |
Các hoạt động giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông... trong bối cảnh ưu tiên phòng, chống dịch bệnh, vẫn cố gắng bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công... đều được tỉnh quan tâm thực hiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, không để những tác động của dịch COVID-19 gây ảnh hưởng khó khăn nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ý kiến phát biểu, tham luận của các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời, biểu dương nỗ lực, tinh thần phòng, chống dịch COVID-19 của Nhân dân cả nước. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tiếp tục theo dõi, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng - chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế; Phối hợp chặt chẽ để có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, nhất là trong công tác đầu tư công. Đặc biệt, cần có cơ chế, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, nhất là trong việc đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân trong Nhân dân; tiếp tục kích cầu du lịch nội địa; ứng dụng công nghệ cao, giá trị tăng cao trong công nghiệp, nông nghiệp, khu vực dịch vụ.
Bài, ảnh: PHAN HÀ