Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tài chính - NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, diễn ra ngày 7/7, tại Bộ Tài chính.
Tại điểm cầu BR-VT, ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
TÀI CHÍNH VẪN LÀ HUYẾT MẠCH CỦA NỀN KINH TẾ
Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù trong bối cảnh nào, ngành tài chính vẫn là huyết mạch của nền kinh tế, không có nguồn lực tài chính thì khó trong điều hành. Cho nên trong khó khăn, càng thấy vai trò quan trọng của ngành tài chính. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là một trong những công cụ quan trọng của Nhà nước để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng”.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất cụ thể về các gói kích thích tài khóa, các giải pháp tiếp tục giãn, hoãn, miễn, giảm thuế và huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp thẩm quyền theo quy định. Tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường giá cả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định pháp luật về giá, công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá, quản lý tốt giá xăng dầu, điện, nước, giá dịch vụ giáo dục, y tế để không ảnh hưởng đến chỉ số giá.
Về chi ngân sách, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện hiệu quả chủ trương tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, chưa thực sự cần thiết, cấp bách theo tinh thần Nghị quyết 84 của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính trực tiếp tham mưu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ, không để xảy ra những nhũng nhiễu, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Ngành tài chính phải hợp tác chặt chẽ, một ngành phục vụ các ngành, các địa phương và nhân dân.
XEM XÉT HỖ TRỢ GIẢM THU
Tại BR-VT, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế đều tăng trưởng thấp so với mức bình quân chung cả năm. Đặc biệt, khu vực dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ, doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 5,39%, dịch vụ lưu trú giảm 52,04%. Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP (trừ dầu khí) tăng 0,52%, là mức tăng thấp nhất từ khi thành lập tỉnh đến nay.
Mặc dù vậy, tỉnh vẫn bảo đảm an sinh xã hội, ổn định cuộc sống người dân. Tình hình an ninh, quốc phòng được giữ vững, ổn định. Các chính sách để thực hiện những biện pháp hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 được tích cực triển khai kịp thời.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng NSNN trên địa bàn tỉnh thực hiện hơn 40 ngàn tỷ đồng, đạt 52,6% so với dự toán, bằng 76,7% so với cùng kỳ, trong đó thu dầu thô là 12.563 tỷ đồng; thu xuất nhập khẩu là 7.924 tỷ đồng; thu nội địa là 19.520 tỷ đồng.
Tổng chi ngân sách địa phương thực hiện gần 8.168 tỷ đồng, đạt 34,4% so với dự toán và bằng 145,7% so với cùng kỳ, trong đó chi đầu tư phát triển hơn 3.976 tỷ đồng; chi thường xuyên là 4.208 tỷ đồng.
Để khắc phục những khó khăn trong việc thu, chi ngân sách, tỉnh BR-VT cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ địa phương giảm thu đối với các khoản điều chỉnh giá khí trong bao tiêu năm 2020 do Trung ương thay đổi cơ chế quản lý nguồn thu. Về khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn của Tập Đoàn dầu khí tại Hợp đồng phân chia sản phẩm Lô 15.2, ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã có Công văn số 13687/UBND-VP kiến nghị Bộ Tài chính hạch toán thuế thu nhập DN phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn Lô 15.2. Trong đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan có liên quan sớm hạch toán khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng vốn của Tập đoàn Dầu khí tại Hợp đồng phân chia sản phẩm Lô 15.2 vào thu NSNN tỉnh BR-VT năm 2019 và thực hiện phân chia nguồn thu này giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo quy định.
Đối với khoản sử dụng nguồn cải cách tiền lương dôi dư năm 2020, qua rà soát thì nguồn thu ngân sách cấp tỉnh (phần nội địa) năm 2019 tăng hơn 2.011 tỷ đồng. Từ những quy định và căn cứ vào tình hình thu, chi ngân sách năm 2020 (dự kiến giảm thu 1.000 tỷ đồng), UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh sử dụng nguồn cải cách tiền lương dôi dư để bố trí vốn cho một số công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và bù đắp số thu ngân sách địa phương năm 2020 dự kiến không đạt dự toán giao.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiến nghị bố trí ngân sách Trung ương đầu tư dự án đường 991B nối cảng Cái Mép-Thị Vải với Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu nhằm bảo đảm nguồn vốn để dự án hoàn thành đúng tiến độ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới toàn ngành tài chính trong cả nước tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội; tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước phục hồi nền kinh tế, đồng thời chủ động trong việc nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý về giá, thị trường tài chính, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá...
Tổng thu NSNN trong 6 tháng đầu năm cả nước đạt 668,7 ngàn tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu ngân sách Trung ương đạt 41,8% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán. Cả nước chỉ có 34/63 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán. Tổng chi NSNN đạt 729 ngàn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt 33,15% so với dự toán, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn trong nước đạt 32,82%; tỷ lệ giải ngân vốn ngoài nước đạt 10,24%. |
Bài, ảnh: PHAN HÀ