Tạo đột phá từ công tác cán bộ
Chú trọng và coi công tác cán bộ là khâu đột phá, có các giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch - một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh là đề xuất của nhân sĩ, trí thức, đóng góp ý kiến Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Hội nghị do Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức cuối tháng 6 vừa qua.
Du lịch BR-VT cần tạo đột phá sản phẩm du lịch đặc thù trong nhiệm kỳ 2020-2025. Trong ảnh: Du khách tắm biển, vui chơi tại Bãi Sau, TP. Vũng Tàu. Ảnh: ĐỨC NGUYÊN |
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐỦ PHẨM CHẤT, NĂNG LỰC
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội CCB TP. Vũng Tàu cho rằng, chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục xây dựng BR-VT thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Để đạt mục tiêu này, khâu đột phá cần bổ sung nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ. Vì bản chất của xây dựng, chỉnh đốn Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ trình độ, năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu mới, ông Nguyễn Quang Phi, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đề xuất, trong mục tiêu của nhiệm kỳ mới về công tác cán bộ, cần bổ sung thêm khâu đột phá tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm công bộc của nhân dân. “Cán bộ nào, phong trào đó”, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và là “cái gốc của mọi công việc”. “Thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong nhiệm kỳ qua là công sức của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân, trong đó không thể phủ nhận có sự đóng góp vô cùng to lớn của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong toàn tỉnh. Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ đã và đang đặt ra nhiều vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong tỉnh như Dự thảo Báo cáo đã đề cập”, ông Nguyễn Quang Phi nói.
Trong khi đó, ông Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh đề nghị Dự thảo cần đánh giá bổ sung thêm về việc đội ngũ tri thức đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của tỉnh. Phần nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới chú trọng đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên gia khoa học nước ngoài bằng cách xây dựng cơ chế đặt hàng cho đội ngũ này.
CẦN CÓ SẢN PHẨM DU LỊCH ĐẶC THÙ
Một trong những vấn đề được các nhân sĩ, trí thức quan tâm tại hội nghị là làm thế nào để khai thác thế mạnh du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh. PGS.TS Hoàng Văn Quý, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, trong khi các địa phương khác đã phát triển khá mạnh với nhiều loại hình du lịch mới, hấp dẫn du khách thì BR-VT vẫn đang “loay hoay” với loại hình du lịch nội địa, bình dân. Cuối tuần đông khách nhưng mùa thấp điểm và ngày thường lại vắng khách. Theo ông Quý, nhiều du khách đến BR-VT có chung nhận xét rằng các tuyến điểm tham quan của BR-VT nhỏ lẻ, rời rạc, chỉ phù hợp đi về trong ngày, không đủ sức hấp dẫn để giữ chân khách lưu lại dài ngày tại địa phương. Vì vậy ngành du lịch cần phát triển các sản phẩm đặc trưng phục vụ khách du lịch tàu biển, một số tour tuyến chủ đạo phục vụ khách du lịch, trùng tu nâng cấp, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề, trung tâm thương mại, các điểm mua sắm đáp ứng nhu cầu của du khách.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hòa, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy nhìn nhận, du lịch của tỉnh phát triển chưa xứng tầm. Sản phẩm du lịch của tỉnh hiện chỉ dừng lại ở việc đưa du khách đi tắm biển, thưởng thức đặc sản biển. Những tour độc đáo, hấp dẫn du khách còn hạn chế. Vì vậy, đa số du khách tới Vũng Tàu thường đi về trong ngày hoặc chỉ lưu trú 1 đêm. “Việc tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương mang tính cấp thiết để có bước đột phá trong phát triển du lịch tại tỉnh”, ông Phạm Hòa đề xuất.
Cho rằng BR-VT đang lãng phí tài nguyên nhân văn phục vụ du lịch, cụ thể là hệ thống di tích, bà Lê Thị Thanh Bình, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Vũng Tàu khẳng định, di tích không chỉ có giá trị văn hóa mà còn là điểm thu hút du khách. Tuy nhiên việc quản lý, sử dụng, tôn tạo, bảo tồn di tích còn nhiều bất cập. Đơn cử, TP.Vũng Tàu có 18 di tích, trong đó có 2 di tích Trận địa pháo cổ Cầu Đá và Ăngten Parabol - Núi Lớn đã bị xâm hại, khó có khả năng trùng tu và phục hồi. “Để khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích, tỉnh cần xây dựng chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng của địa phương, ban hành các quy chế quản lý di tích, mở các tour tham quan du lịch các địa phương trong tỉnh”, bà Lê Thị Thanh Bình đề xuất.
HUYỀN TRANG