5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Châu Đức đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tập trung phát huy thế mạnh về nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất được triển khai có hiệu quả, nguồn vốn vay được hỗ trợ kịp thời để người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, thăm tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo. |
KINH TẾ KHẤM KHÁ HƠN
Từ đầu năm đến nay, gia đình bà Hà Thị Huỳnh Trang (thôn 4, xã Bình Trung) đã xuất 2 lứa heo thịt hơn 40 con, thu lãi gần 200 triệu đồng. Trước đây, gia đình bà Trang chỉ trồng trọt trên mấy sào ruộng, làm ăn khó khăn do thời tiết không thuận lợi. Năm 2018, được Hội LHPN xã Bình Trung giới thiệu vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà đã phát triển nghề nuôi heo, cải thiện kinh tế gia đình. Ngoài nuôi heo thịt, bà còn phối hợp với Hội LHPN xã Bình Trung tổ chức nhóm, giúp gần 50 hội viên phụ nữ trong xã gia công bóc vỏ lụa hạt điều để tăng thêm thu nhập gia đình. “Từ chỗ phải chạy ăn từng bữa, nhờ được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, đến nay gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững và giúp đỡ cho nhiều hộ khác”, bà Hà Thị Huỳnh Trang phấn khởi nói.
Ông Phạm Thành Minh (ngụ thôn Quảng Thành 2) cả một đời gắn bó với xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức. Hơn ai hết, ông biết rõ những đổi thay của vùng đất này. Từ một vùng quê nghèo, Nghĩa Thành từng bước “thay da đổi thịt”, đời sống của người dân được nâng cao. Đây là cả một quá trình phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Với sự hỗ trợ từ chính quyền trong chuyển đổi sản xuất, trồng trọt, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vợ chồng ông đã mạnh dạn cải tạo đất, đầu tư trồng 6 sào mận An Phước, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. “Tôi rất phấn khởi trước sự phát triển của địa phương. Trước đây, kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc vào rẫy mì và bắp, thu nhập bấp bênh. Cuộc sống nay khá hơn, đầy đủ hơn nhiều rồi ”, ông Minh chia sẻ.
Thời gian qua, bên cạnh hỗ trợ vốn vay kết hợp các mô hình sản xuất, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và chính sách an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Châu Đức quan tâm thực hiện. Cụ thể, huyện đã xây dựng, sửa chữa 182 căn nhà tình nghĩa, 407 căn nhà đại đoàn kết, 150 căn nhà cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ gia đình chính sách, bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở với số tiền hơn 16 tỷ đồng, giải quyết cơ bản nhu cầu về nhà ở của người dân; tạo việc làm tăng thêm cho 6.034 lao động, đạt 120,68%; tỷ lệ hộ nghèo còn lại đến năm 2019 là 1,81%.
Chính quyền địa phương còn thực hiện tốt công tác chăm lo ổn định đời sống và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc như: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc với tổng nguồn vốn thực hiện hơn 11,5 tỷ đồng; đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng các nhà văn hóa dân tộc góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ông Đào Văn Giả, Bí thư Chi bộ ấp Vinh Thanh, TT.Ngãi Giao là một cán bộ người đồng bào dân tộc và là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc cho biết: “Nhiều năm qua, Chương trình 135 và Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chính quyền các cấp triển khai sâu rộng trong toàn ấp, đời sống người dân được quan tâm. Bà con dân tộc đã dần bỏ tập quán di canh di cư để cùng nhau an cư - lạc nghiệp, có một công việc ổn định, kinh tế khấm khá. Đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao hơn. Tôi rất phấn khởi”.
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
Trong 5 năm qua, chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân huyện Châu Đức không ngừng được nâng lên. Sự nghiệp giáo dục cũng được quan tâm đúng mức. Trên địa bàn huyện có 62 trường phổ thông được xây dựng kiên cố, hơn 83% trường học đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn; 100% xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 92% gia đình trên địa bàn huyện đạt chuẩn gia đình văn hóa hàng năm; 100% gia đình chính sách trên địa bàn có mức sống trung bình trở lên. Công tác cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” giữa huyện và các xã, thị trấn được triển khai thực hiện hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, thành quả của 5 năm qua là động lực rất lớn để huyện tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo trong giai đoạn 2020-2025. Hiện nay huyện không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia và không còn hộ có thành viên là người có công thuộc hộ nghèo. Theo đó, mục tiêu của huyện là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1% trong năm 2020, bảo đảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch chung của tỉnh. Phấn đấu không còn nhà ở dột nát của người dân; tạo việc làm tăng thêm hàng năm 1.500 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo 72,5%; 100% trường MN, 95% trường TH, THCS đạt chuẩn quốc gia; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được chăm lo chế độ chính sách theo quy định...
Gia đình ông Phạm Minh Tú (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba) thoát nghèo nhờ nuôi dê. |
Để thực hiện các mục tiêu trên, lãnh đạo huyện xác định tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy dân chủ, bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tiến tới giảm nghèo bền vững. Cụ thể, tiếp tục thực hiện 12 nội dung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: tập trung vào những công trình, phần việc thiết thực trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới” nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo trong các tầng lớp nhân dân; chú trọng đến các lĩnh vực môi trường, chỉnh trang đô thị, văn hóa thể thao; tăng cường vận động xã hội hóa các chương trình an sinh xã hội và tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức để phát triển kinh tế. Qua đó góp phần vào công tác giảm nghèo, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, người dân thêm phấn khởi, tích cực thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG - NGỌC BÍCH