Từ năm học 2019-2020, khái niệm “Trường học hạnh phúc” đã trở thành một “từ khóa” quen thuộc và quan trọng của ngành giáo dục. Trong “Trường học hạnh phúc”, HS là chủ thể quan trọng nhất nhưng đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường và phụ huynh cũng đều cần phải cảm thấy được hạnh phúc trong quá trình giáo dục trẻ. Như vậy, trường học hạnh phúc phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả các thành viên đều được hạnh phúc.
HS Trường TH Quang Trung tham gia các hoạt động tập thể tại trường học. Ảnh: KHÁNH CHI |
ĐIỀU GÌ LÀM NÊN MỘT “TRƯỜNG HỌC HẠNH PHÚC”?
Theo nghiên cứu của UNESCO, có 5 yếu tố chính tạo nên “Trường học hạnh phúc”, đó là: Tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường; môi trường học tập yêu thương và thân thiện; sự tự do, sáng tạo và tham gia của người học; thái độ và tính tích cực của GV; ý thức và tinh thần tập thể hơn là cá nhân. Nhìn chung, “Trường học hạnh phúc” là một trường học thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho HS, bao gồm sự khỏe mạnh về tinh thần, thể chất và tâm lý, cũng như hỗ trợ nuôi dưỡng về mặt cảm xúc để trở thành một nơi mà HS có thể phát triển phẩm chất tốt đẹp.
Có 3 trụ cột lớn để xây dựng ngôi trường hạnh phúc. Trụ cột đầu tiên chính là con người và các mối quan hệ xã hội. Ở đây, tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường nên dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, khoan dung, bình đẳng. GV cần có sự nhiệt tình, tử tế và công bằng, truyền cảm hứng, sáng tạo cho người học. Các thành viên tôn trọng sự khác biệt và đa dạng… Trụ cột thứ hai là phương pháp dạy và học. Trong trường, khối lượng công việc, bài tập được giao hợp lý và công bằng. Phương pháp giảng dạy và học tập thú vị và hấp dẫn. Người học tự do, sáng tạo và gắn kết… Trụ cột cuối cùng chính là môi trường học tập. Trường học hạnh phúc cần một môi trường học tập thân thiện và yêu thương, an toàn. Không gian học tập, vui chơi mở và xanh. Lãnh đạo trường học có tầm nhìn, kỷ luật tích cực…
NHỮNG HẠT MẦM HẠNH PHÚC
Ba “hạt giống” cơ bản chúng tôi chú trọng khi đào tạo GV và HS bao gồm: tự chăm sóc mình, biết chăm sóc và yêu thương người khác, biết chăm sóc và yêu thương thiên nhiên. Chúng tôi đào tạo GV tập trung vào việc kết nối với bản thân để giúp GV hiểu và yêu thương chính mình, đồng thời sử dụng nó làm tiền đề để mở rộng tình thương đó cho thế giới xung quanh. GV cũng phải được đào tạo và thực hành năng lực biết lắng nghe, biết yêu thương và chăm sóc người khác qua các chương trình đào tạo “Dạy học với trọn vẹn yêu thương”, “Tiết học giáo dục cảm xúc”, “Dạy đạo đức qua từng tiết học”… Mỗi ngày đều thực hành yêu thương và giao tiếp không bạo lực qua các thủ tục chào hỏi, vòng tròn chia sẻ... cùng với HS.
Đối với HS, chúng tôi dạy trẻ sống tỉnh thức trong xã hội thông qua việc quan sát cơ thể mình, các chuyển động bên trong cơ thể, tự nhận thức và tự kiểm soát cảm xúc, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực. Chương trình giáo dục cảm xúc và đạo đức của nhà trường được lồng ghép trong từng tiết học qua mỗi môn học như: Đôi bạn cùng tiến (chăm sóc nhau), chấp nhận sự khác biệt của người khác và lòng bao dung, cách giải quyết vấn đề cùng nhau, xây dựng môi trường lành mạnh... HS biết nhận diện ý nghĩa của bài học trong thực tế đời sống qua các yếu tố: lòng biết ơn, nguyên nhân-hậu quả, hòa hợp-nhu thuận-đoàn kết, giá trị sống tích cực, tính tự chủ…
GV, HS còn cần được tạo điều kiện để biết sống hòa hợp với môi trường tự nhiên. Đây là nơi nuôi dưỡng tính sáng tạo, phẩm chất tử tế và lòng yêu thương thuận lợi nhất cho mỗi người.
Qua thực tiễn áp dụng, chúng tôi nhận thấy rõ ràng có mối liên kết giữa hạnh phúc và giáo dục: hạnh phúc không chỉ là thứ có thể học được, mà “học tập-giáo dục” cũng có thể là một nguồn hạnh phúc tuyệt vời. Do đó, giáo dục là một phương tiện để chuyển tải hạnh phúc cho các thế hệ nhằm xây dựng phẩm chất tốt đẹp của con người, là lòng yêu thương và vị tha.
Chúng tôi tin rằng những điều này khi được triển khai sẽ nâng cao chỉ số hạnh phúc cho GV và đặc biệt là HS, giúp các em xây dựng những kỹ năng cơ bản để phát triển bản thân trong xu hướng hội nhập cùng một thế giới phát triển hòa bình và bền vững.
TS. NGUYỄN THANH TÙNG