KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TUYÊN GIÁO (1/8/1930 – 1/8/2020): Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới
Sinh thời, Bác Hồ đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho “phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc”, làm cho người nghe, người đọc “hiểu được, nhớ được và làm được”. Bác còn đòi hỏi cán bộ tuyên giáo phải có phong cách đi sâu, đi sát cơ sở, đến những mũi nhọn của mặt trận sản xuất và chiến đấu, nơi có phong trào khá và cả những nơi có phong trào kém, phát hiện và giải đáp được những vấn đề do cuộc sống đặt ra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi với nhân dân, Người là tấm gương lớn về sự nêu gương cho các thế hệ cán bộ. |
Bác nhấn mạnh: Chỉ có đi sâu vào thực tiễn đời sống xã hội thì mới tìm hiểu, đánh giá đúng thực chất tình hình công tác tuyên giáo của địa phương, đơn vị, mới phát hiện được những vấn đề mới, nhân tố mới, những điển hình tốt, người tốt việc tốt để cổ vũ, biểu dương, nhân rộng, đồng thời vạch ra những hiện tượng, những biểu hiện sai trái để phê phán, uốn nắn nhằm đẩy mạnh việc phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Ngày 1/8/2018, làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay; tuyệt đối trung thành, kiên định, vững vàng, biết cách tổ chức công việc, có dũng khí đấu tranh, có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, phải nói được, làm được, thuyết phục được, không để bị mua chuộc bởi các thế lực xấu, thù địch. Phương pháp phải dân chủ, chân thành, không thể gò ép, áp đặt, mệnh lệnh; phải rất tinh tế, đi vào lòng người”.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, theo tôi, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Giải pháp quan trọng, hàng đầu là từng cấp ủy, người đứng đầu phải nhìn nhận thật đúng, đủ hơn về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác tuyên giáo các cấp, nhất là xã, phường, thị trấn. Hoạt động tuyên giáo phải là mũi nhọn xung kích đi đầu nêu cao dũng khí cách mạng, quyết liệt đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm lăng về hệ tư tưởng, chính trị. Công tác tuyên giáo phải phát huy hơn nữa tính chủ động đi trước, đón đầu để dự báo, nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội, nhất là trong bối cảnh công nghệ 4.0, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, để từ đó tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới.
Hai là, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cán bộ tuyên giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Bản lĩnh chính trị vững vàng là cơ sở cho cán bộ tuyên truyền xử lý một cách đúng đắn các tình huống phát sinh trong thực tiễn.
Mỗi cán bộ tuyên giáo phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Có khả năng phát hiện các khuynh hướng chính trị và nhận ra các vấn đề chính trị trong đời sống hằng ngày, biết vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào từng lĩnh vực công việc, kiên quyết đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, phản động để bảo vệ các quan điểm của Đảng.
Đồng thời, cán bộ tuyên giáo phải là những người có năng lực nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, khả năng nắm bắt, hướng dẫn dư luận xã hội, phát hiện, lý giải những khuynh hướng tư tưởng phát sinh trong đời sống xã hội và trong các tầng lớp nhân dân. Có năng lực thu hút và lôi cuốn quần chúng tham gia các quá trình công tác tư tưởng; có khả năng thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân và giữa nhân dân với Đảng...
Ba là, thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn. Môi trường, điều kiện làm việc khác nhau sẽ giúp cho cán bộ phát huy được khả năng, sức sáng tạo, đồng thời, tránh được tình trạng xa rời thực tiễn, nhất là với cán bộ trong diện quy hoạch, cán bộ chưa qua thực tiễn. Để làm tốt việc này, cần tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, dự kiến nhu cầu, khả năng tạo nguồn và phát triển đội ngũ, chủ động xây dựng và thực hiện luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan làm công tác tuyên giáo ở Trung ương, luân chuyển cán bộ tuyên giáo để có điều kiện trau dồi kỹ năng, trình độ, khả năng tuyên truyền.
Năm là, ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách. Một trong những giải pháp quan trọng là có cơ chế, chính sách phù hợp, không chỉ hấp dẫn được những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân; thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành tuyên giáo của Đảng.
Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng ta luôn khẳng định vai trò đặc biệt, tầm quan trọng của công tác tuyên giáo trong lãnh đạo cách mạng ở mọi thời kỳ. Những lời dạy của Người mãi mãi là hành trang, là phương pháp luận quý báu để Ðảng ta, đội ngũ những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vững tin hơn, trí tuệ hơn, sắc sảo hơn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc văn minh, giàu đẹp.
NGUYỄN TẤN BẢN
(Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Đức)